Ông Trần Quốc Thắng, TUV, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền

Mới đây, tại Hà Nội, 100% thành viên Hội đồng Thẩm định Trung ương xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM đã nhất trí trình hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Quảng Điền đạt chuẩn huyện NTM. Nghĩa là ngay trong năm 2022, huyện Quảng Điền sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM.  

Những chuyển biến cơ bản của huyện Quảng Điền sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM như thế nào, thưa ông?

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, huyện đã phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn dân, tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy tối đa nội lực “chung sức, đồng lòng” xây dựng xã, huyện NTM. Chính nhờ sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao trong công tác lãnh, chỉ đạo cùng với niềm tin của Nhân dân nên việc triển khai thực hiện NTM trên địa bàn huyện đã có những thành quả đáng trân trọng.

Cây rau má mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở Quảng Thọ

Đến nay, huyện đã có 10/10 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM; bộ mặt nông thôn được đổi mới, khởi sắc, khang trang, sạch, đẹp hơn; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới; thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy.

Toàn huyện đã huy động được gần 3.500 tỷ đồng để đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM; trong đó vốn Nhân dân đóng góp 183 tỷ đồng, chiếm  5,24%. Nhiều mô hình phát triển sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 là 38 triệu đồng; hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 3,7%...

Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện tiếp tục có những định hướng gì để từng bước nâng cao các tiêu chí NTM bền vững, phấn đấu đạt huyện NTM nâng cao?

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Điền đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện trở thành huyện NTM nâng cao; trong đó, có 5 xã đạt xã NTM nâng cao, 2 xã đạt xã NTM kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chương trình.

Mục tiêu thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; tập trung xây dựng NTM nâng cao, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ban Chỉ đạo huyện nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu, phải xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Lấy hạt nhân chính trị lãnh đạo là chi bộ và bí thư cấp ủy cấp huyện, cấp xã vẫn là trưởng ban chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo “kết nối” cả hệ thống chính trị thành một khối. Tạo nên sự đồng thuận cao trong Đảng, trong chính quyền và toàn thể Nhân dân tạo nên sự đoàn kết thống nhất và đồng thuận cao.

Nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong xây dựng NTM; vậy huyện có những kế hoạch nào nhằm nâng cao đời sống Nhân dân bền vững?

Huyện tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Quảng Điền chung sức xây dựng NTM” với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng NTM thiết thực, hiệu quả hơn.

Huyện chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, xây dựng xã điểm Quảng Thọ thành xã thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp thông minh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý. Triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực ở mỗi xã. Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch. Xây dựng, phát triển HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)