Bộ mặt nông thôn mới xã Vinh Xuân
Không chỉ có thương hiệu nước ớt nổi tiếng - sản phẩm OCOP của địa phương đã “đi ra” nhiều tỉnh, Vinh Xuân gây ấn tượng bởi đường QL49B thảm nhựa, đường bê tông khang trang đến từng ngõ xóm, tận chân ruộng lúa, rau màu. 100% hộ dân trên địa bàn đã được sử dụng điện chiếu sáng với đường dây lưới điện trung áp 22KV. Đêm về, các tuyến đường liên thôn, ngõ xóm sáng trưng, nhờ hệ thống điện chiếu sáng do dân tự làm. Hội trường trung tâm của xã và 6/6 nhà văn hóa thôn được xây dựng mới, đảm bảo phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng tại địa phương...
Ông Nguyễn Đồng, Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân thông tin, những đổi thay, phát triển mạnh mẽ hôm nay Vinh Xuân có được, là kết quả của chặng đường dài Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới, mà “điểm nhấn” là người dân phát huy sức mạnh vai trò chủ thể. Người dân đã hiến đất làm đường, đóng góp số tiền gần 15 tỷ đồng chung tay xây dựng các công trình công cộng tại địa phương là một “minh chứng”. Điển hình như ông Giám, mặc dù xa quê lâu năm, sinh sống tại tỉnh khác, nhưng luôn một lòng hướng về quê hương, đã bỏ tiền xây dựng ngôi chợ trị giá 1 tỷ đồng, để bà con có điều kiện buôn bán làm ăn, phát triển kinh tế; bê tông hóa 1,2km đường, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Ông Lê Minh Tấn bỏ tiền xây dựng hơn 3km đường, trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Phát huy vai trò chủ thể, người dân sẵn sàng hiến đất, khi con đường cần mở rộng, ngang qua vườn, qua ruộng nhà mình. Để các tuyến đường bây giờ khang trang, chắc chắn, thuận tiện cho việc đi lại và phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, được sự đồng lòng của người dân, Vinh Xuân đã dịch chuyển cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại hoa màu có giá trị thu nhập cao và ổn định như dưa leo, mướp, ớt; phát triển nhiều mô hình gia trại, trang trại với nhiều loại vật nuôi (bò, lợn, gà đẻ trứng, gà thịt, vịt đồng, vịt trời) cho thu nhập khá. Người dân chuyển đổi mô hình nuôi tôm sú nước lợ sang nuôi xen ghép nhiều loại tôm, cua, cá trên diện tích nuôi ổn định 109ha/năm và tất cả các hộ nuôi đều có lãi. Hiện, trên địa bàn xã phát triển nhiều loại ngành nghề, nhiều loại dịch vụ. Ngoài nghề truyền thống mộc mỹ nghệ, trang trí nội thất và dân dụng, toàn xã có nhiều cơ sở cơ khí, gò hàn, gia công vàng bạc, may gia công, sửa chữa điện cơ, nhiều cơ sở chế biến các sản phẩm từ ớt của địa phương, nước ớt Vinh Xuân đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, nhiều nhà hàng phục vụ ăn uống giải khát…, mang lại công ăn việc làm ổn định cho người lao động, thu nhập của người dân trên địa bàn ngày càng cao” - Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho biết.
Tại lễ công bố Vinh Xuân đạt chuẩn nông thôn mới, ông Lê Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND hyện Phú Vang nhấn mạnh: Những thành quả về xây dựng và phát triển của xã Vinh Xuân là rất quan trọng, góp phần tạo thế và lực, thời cơ mới để phát huy mạnh mẽ tiềm năng thế mạnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng xã Vinh Xuân xứng tầm trong giai đoạn mới.
Theo Chủ tịch UBND xã, thời gian tới, Vinh Xuân sẽ phát triển theo hướng dịch vụ du lịch - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Dự án khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp (BRG) triển khai trên diện tích 127ha (trên 2 xã Vinh Xuân, Vinh Thanh) đang được triển khai, xây dựng xong một số hạng mục như nhà điều hành, đường đi nội bộ...
Để đón cơ hội phát triển kinh tế khi dự án trên hoàn thành đưa vào sử dụng thông qua cung cấp các dịch vụ kèm theo, hiện người dân trên địa bàn hưởng ứng chủ trương, “tăng tốc” hình thành phát triển vùng sản xuất rau sạch; đầu tư nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP. Đồng thời, Vinh Xuân đang quy hoạch, đầu tư xây dựng bãi tắm cộng đồng, khu dã ngoại, thu hút du khách bằng những hoạt động trải nghiệm.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh