Các dự án triển khai đúng tiến độ sẽ đảm bảo được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Trong các cuộc họp thường kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương liên tục đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thậm chí, tại cuộc họp thường kỳ tháng 3, người đứng đầu chính quyền tỉnh nhấn mạnh, nếu giải ngân vốn đầu tư công không ổn sẽ phải có người chịu trách nhiệm, đặc biệt không được mất nguồn vốn trong trường hợp không hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Chỉ đạo quyết liệt đó của Chủ tịch UBND tỉnh cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công chậm ngày nào sẽ mất cơ hội ngày ấy, đặc biệt trong bối cảnh toàn tỉnh đang nỗ lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54.

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.266,055 tỷ đồng. Đến ngày 30/3, việc giải ngân chỉ đạt 7,7% kế hoạch. Đối với vốn cân đối ngân sách địa phương: Kế hoạch vốn 2.148,72 tỷ đồng, giải ngân 222,138 tỷ đồng, đạt 10,3% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước): Kế hoạch vốn 1.500 tỷ đồng, giải ngân 44,27 tỷ đồng, đạt 3% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA): Kế hoạch vốn 617,335 tỷ đồng, giải ngân 61,281 tỷ đồng, đạt 9,9% kế hoạch.

Đã hết quý I/2022, song với những dữ liệu trên cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đảm bảo tiến độ. Rất nhiều lý do dẫn đến điều này, như: công tác giải phóng mặt bằng các dự án vướng mắc dẫn đến không có mặt bằng để thi công và dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân chậm; các dự án chuyển tiếp vừa khởi công nên chưa làm thủ tục tạm ứng, một số dự án khởi công cuối năm 2021 đang thi công khối lượng tạm ứng nên chưa có khối lượng thanh toán kế hoạch năm 2022; nhiều dự án chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn; nguồn cung ứng nguyên, vật liệu, vật tư, thiết bị không thể đáp ứng liên tục, đầy đủ do khan hiếm nguồn cung cấp từ các nguồn sản xuất nguyên liệu; một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế cho phù hợp với thực tế…

Xét trên bình diện cả nước, Thừa Thiên Huế cũng là một trong nhiều tỉnh, thành giải ngân vốn đầu tư công chậm. Đến hết quý I/2022, 4 cơ quan Trung ương và 5 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch và có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm trên 25%. Trong khi đó, 13 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương đến ngày 30/3 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao; 29 bộ, cơ quan Trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.

Vẫn biết lý do là chính đáng, song dù lý do gì đi nữa cũng cần sớm khắc phục, bởi tỉnh đã xác định công tác thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là mục tiêu quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đặc biệt là việc giải ngân các dự án ODA và dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương là các dự án trọng điểm, vốn lớn, có khả năng tác động đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.

Từ những số liệu đó, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đã nhận diện được tiến độ giải ngân vốn của địa phương. Do vậy, ngay từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành quyết liệt công tác thực hiện và giải ngân như Chỉ thị số 30/CT-UBND ngày 27/12/2021 về thực hiện đầu tư công năm 2022, văn bản 12516/UBND-XDCB ngày 21/12/2021 đôn đốc giải ngân năm 2021 và triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022... Đặc biệt, UBND tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Để việc giải ngân đúng kế hoạch cần giám sát hơn nữa, đôn đốc hơn nữa các dự án đã, đang và sẽ triển khai, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn Trung ương phải hoàn thành trong năm 2022 không thể chuyển vốn sang năm 2023, phải yêu cầu chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh việc điều chỉnh thiết kế và tổ chức thi công để có thể giải ngân hết nguồn vốn. Đối với dự án sử dụng vốn ODA, các chủ đầu tư giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn đọng và thanh toán các gói thầu đã thực hiện…

Cụm từ “dự án chậm tiến độ” sẽ được hạn chế trong các báo cáo khi có sự giám sát chặt chẽ và giải pháp căn cơ từ các cơ quan chức năng. Ngoài ra, cũng cần truy trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư buông lỏng quản lý, triển khai, thi công dự án khiến việc giải ngân chậm, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc phục hồi, phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: LÊ THỌ