Kể cho nhau nghe những kỷ niệm đẹp của một thời binh nghiệp

Bác sĩ Dương Văn Phát nhớ lại: “Một lần về thăm Bệnh xá Nam đóng ở rừng huyện Phú Lộc, có một thương binh tên Nguyễn Trọng Chung, bộ đội địa phương huyện Phú Vang bị hoại tử sinh hơi cẳng chân. Sau khi kiểm tra, tôi thoáng nghĩ, trường hợp này có thể cứu được, nhưng phải sớm cắt bỏ phần bị hoại tử. Nhưng lúc đó, thiết bị thực hiện một ca đại phẫu không có, thuốc men thiếu thốn, liệu có làm được không? Cắt 1/3 đoạn đùi dưới là việc làm đầu tiên của tôi. Bước tiếp theo là phải chờ cho vị trí cắt bỏ có máu tươi hồng rồi mới khâu đóng lại. Khó khăn nhất là không có thuốc đặc hiệu trị vi khuẩn yếm khí. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định đưa anh Chung ra chỗ ánh sáng mặt trời để phơi. Ca đại phẫu thành công, tính mạng của đồng đội tôi đã không bị đe dọa”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Hồ, trú tại phường Phú Hậu (TP Huế), một quân y phục vụ thương, bệnh binh trong chiến dịch giải phóng Trị Thiên Huế bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi biết đến bác sĩ Dương Văn Phát là người hết lòng, hết sức và trách nhiệm với thương, bệnh binh. Tôi còn nhớ, khi đến thăm Bệnh xá Nam, bác sĩ Phát nhận được thông tin: “Có một thương binh tên Nhuận ở Phú Xuân bị thương nhiều chỗ ở bụng, rất nguy hiểm. Cách chữa khá táo bạo, đầy sáng tạo của ông là dùng thùng nước vô trùng, rửa ổ bụng, nên đã cứu chữa được thương binh Nhuận qua cơ nguy kịch, tiếp tục được chuyển ra Bắc điều trị”.
Nói về bác sĩ Dương Văn Phát, cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Liên, trú tại TP Nhà Trang (Khánh Hòa) tâm sự: “Nhân dân Phú Vang rất quý trọng bác sĩ Phát. Tôi còn nhớ, một buổi sáng năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên được tin Mỹ tập trung quân ở Huế, 2 tiểu đoàn Ngụy tập trung tại thôn “X” thuộc huyện Phú Vang để chuẩn bị càn quét. Quân khu lệnh hỏa tốc điều động 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 6 phối hợp với 1 tiểu đoàn của Tỉnh đội Thừa Thiên cùng 2 đại đội của Huyện đội Phú Lộc và Phú Vang hành quân cấp tốc. Bác sĩ Phát cùng đi nghiên cứu, nắm tình hình bố trí đội phẫu và công tác của quân y. Khi trận đánh thắng lợi, biết có thương binh nặng đang nằm ở Đội phẫu của Tỉnh đội đặt tại xã Vinh Hà, bác sĩ Phát đã qua điều trị, nên Nhân dân và các mẹ của huyện Phú Vang mới biết ông là người ngoài Bắc vào. Sau đó, cứ mỗi lần có người trên huyện, trên tỉnh về các mẹ ở huyện Phú Vang lại hỏi thăm: “Chú Phát có khỏe không?”. Biết tin “Chú Phát khỏe, đang phục vụ ở bệnh viện của Quân khu”, bà con mừng lắm. Mỗi lần nghe tiếng máy bay Mỹ ở Phú Bài thả bom, các mẹ lại nhắc tới chú. Những kỷ niệm đẹp ấy cách đây mấy chục năm rồi, nhưng ai cũng nhớ, cũng quý trọng chú.
Dù tuổi cao sức yếu, dù người còn, người mất và hoàn cảnh có khác nhau, nhưng những câu chuyện kể về những kỷ niệm đẹp không bao giờ nguôi trong lòng mỗi cựu chiến binh giải phóng Trị Thiên Huế...
Bài, ảnh: ANH PHONG