Các thành phố trên thế giới tích cực hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất, do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát động. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong cuộc họp diễn ra vào ngày 21/4 (theo giờ Mỹ), các đại biểu nhấn mạnh, hơn 50% dân số thế giới hiện đang sống trong các môi trường đô thị, con số này có thể sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050.
“Những hành động mà chúng ta thực hiện bây giờ phải đưa chúng ta đến sự hội nhập xã hội mới, dựa trên các nguyên tắc về thịnh vượng, chuyển đổi, thích ứng, bình đẳng và tôn trọng nhân quyền”, bà Martha Delgado, Chủ tịch Hội đồng Chương trình Nhân cư Liên Hiệp quốc (UN-Habitat) cho biết.
Nhấn mạnh đô thị hóa là một trong những xu hướng lớn của ngày nay, bà Martha Delgado cùng những đại biểu khác đã lên tiếng kêu gọi “những thành phố thông minh” bền vững, có khả năng phục hồi nhanh, được quản lý toàn diện hơn, và được chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những cú sốc và các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Chương trình Nghị sự Đô thị Mới
Được biết, cuộc họp đặc biệt về “Đô thị hóa bền vững và việc thực hiện Chương trình Nghị sự Đô thị Mới” sẽ bổ sung các nội dung cho một cuộc họp cấp cao tương tự của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc (LHQ), dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 28/4 tới.
Cả hai phiên họp được thực hiện nhằm tìm kiếm cách thức để hệ thống của LHQ có thể hỗ trợ các quốc gia tốt hơn trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự Đô thị Mới, một kế hoạch mang tính bước ngoặt cho các không gian đô thị trên thế giới, đã được thông qua hồi năm 2016 tại Hội nghị của LHQ về Nhà ở và Phát triển Đô thị Bền vững.
Theo đó, chương trình nghị sự này đưa ra các tiêu chuẩn và cam kết cho công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển, quản lý và cải thiện các khu vực đô thị; đồng thời nêu rõ một tầm nhìn chung cho các thành phố là những nơi công bằng, an toàn, lành mạnh, có thể tiếp cận và giá cả phải chăng, nơi mà tất cả dân cư có thể sống mà không bị phân biệt đối xử.
Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp nói trên, Chủ tịch ECOSOC, ông Collen Vixen Kelapile kêu gọi các đại biểu tham dự xem xét những vấn đề đô thị thông qua lăng kính bất bình đẳng, đặc biệt là sự bất bình đẳng rõ rệt có thể thấy từ đại dịch COVID-19.
Ông Collen Vixen Kelapile cho rằng: “Sự phát triển bền vững sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta quản lý quá trình đô thị hóa”; đồng thời nói thêm, các cuộc thảo luận hiện tại nên được đặt trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu.
Về phần mình, Giám đốc Điều hành UN-Habitat, bà Maimunah Mohd Sharif lưu ý, các thành phố trên thế giới đã và đang tập trung sự chú ý đến nhiều tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19. Điều đó thường dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các chính quyền địa phương và các Chính phủ; từ đó dẫn đến sự cải tạo, phủ xanh và sử dụng toàn diện không gian công cộng nhiều hơn.
Nhấn mạnh một cơ hội mới để xây dựng dựa trên các mối quan hệ đối tác này, bà Maimunah Mohd Sharif khẳng định: “Chúng ta có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản theo cách bình đẳng hơn, giảm thiểu việc đi lại thông qua hình thức làm việc từ xa, cũng như giảm lượng khí thải carbon bằng cách sử dụng năng lượng một cách cẩn thận”.
Tăng tốc tiến độ
Bên cạnh đó, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid cho hay: “Việc đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự Đô thị Mới sẽ thúc đẩy tiến độ về an ninh và phúc lợi trên toàn cầu”. Ông Abdulla Shahid cùng với các diễn giả khác nhấn mạnh rằng, khi được quản lý đúng cách, các thành phố là một trong những môi trường sống bền vững nhất của nhân loại.
Phó Tổng thư ký LHQ Amina Mohammed nói thêm: “Các thành phố có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, thực hiện hành động khí hậu và đảm bảo sự phục hồi xanh và toàn diện từ đại dịch COVID-19”.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)