UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu...

Ăn gì, uống gì cũng sợ ngộ độc - đó là tâm lý chung của người tiêu dùng hiện nay. Nỗi lo đó hoàn toàn có căn cứ, khi hàng ngày thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, các vụ vận chuyển thực phẩm bẩn bị phát hiện; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư chất bảo vệ thực vật… liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mới đây nhất là vụ ngộ độc bánh mỳ tập thể lên đến hàng trăm người ở Lâm Đồng. Tôi vẫn còn nhớ câu nói ấn tượng của đại biểu Trần Ngọc Vinh tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 11, khóa XIII “có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”. Điều này cho thấy, vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ của riêng người tiêu dùng mà trở thành vấn đề nóng và hệ trọng của quốc gia.

Thực tế ở nước ta, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước đây chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Ban đầu là tự cung tự cấp. Khi nền kinh tế phát triển, chuyển dần sang sản xuất quy mô hàng hóa, nhưng thói quen sản xuất cũ ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của người nông dân. Từ chỗ “nhà vườn ăn cau sâu”, để dành những sản phẩm tốt, đẹp đem bán cho được giá, đã xuất hiện tình trạng rau nhà ăn trồng riêng, rau để bán chăm theo cách khác, chỉ cần đẹp mã, còn bất chấp các nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Trước thực trạng đó, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Các bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, an toàn trong nước và quốc tế. Các hợp tác xã làm tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ người nông dân trong liên kết, chuyển giao các quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn và bao tiêu sản phẩm như HTX Thủy Dương, HTX Quảng Thọ… Đặc biệt, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được triển khai sâu rộng, tạo điều kiện cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao của các địa phương phát triển.

Người sản xuất cũng đã có bước chuyển biến lớn về nhận thức và từng bước thay đổi phương thức sản xuất, trong đó đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Rõ nhất là các mô hình liên kết sản xuất hữu cơ các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Nhiều vùng sản xuất lớn, được cấp mã vùng sản xuất hoặc các chứng chỉ hữu cơ, không chỉ được người tiêu dùng tin cậy mà còn có thể mở rộng thị trường xuất khẩu ra thế giới.

Trong quá trình phát triển hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Vì vậy, việc quản lý, khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, theo chuỗi giá trị  gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp hữu cơ gắn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để làm tốt việc này, cần bắt đầu từ gốc - nơi sản xuất, chế biến, thông qua việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, lợi ích của người sản xuất, kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn và áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến tiên tiến đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và vận động người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm an toàn. Người sản xuất quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng và ngược lại, người tiêu dùng chấp nhận, ủng hộ sản phẩm an toàn thì sẽ tạo động lực phát triển cho toàn xã hội.

Hoàng Minh