Công nhân HEPCO trục vớt, xử lý bèo lục bình tại các con sông thuộc địa bàn TP. Huế mở rộng
Hễ bắt đầu vào dịp hè, nhiều con sông, hồ ở nội, ngoại thành lại bị phủ kín bèo lục bình cùng với rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Chị Trần Thị Nguyên Tùng, ở xã Phú Dương, TP. Huế - nơi có nhánh sông Như Ý ngang qua trước khu vực nhà, than vãn, tình trạng ô nhiễm môi trường từ bèo, rác ùn ứ lâu ngày hôi thối ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của gia đình chị và nhiều hộ xung quanh khu vực.
Tình trạng như chị Tùng chia sẻ, chúng tôi dễ bắt gặp nhiều nơi, nhất là địa bàn của TP. Huế mới mở rộng, như Phú Dương, Phú Thanh, Thủy Vân... nằm cạnh hạ lưu sông Hương, hay sông Như Ý và Đại Giang. Sở dĩ bèo, rác vẫn tồn tại và không thể xử lý triệt để là do suốt thời gian dài, nguồn nước thải sinh hoạt của người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa qua xử lý được xả thẳng xuống sông, tạo môi trường thuận lợi cho một số loại bèo, đặc biệt bèo lục bình phát triển nhanh. Nhiều đoạn sông còn bị bồi lấp bởi việc xây dựng nhà cửa, xả thải vô ý thức... khiến dòng chảy không được khơi thông, nước nhiễm bẩn, ứ đọng cũng là nguyên nhân làm cho bèo sinh sôi ngày càng nhiều.
Không chỉ ở địa bàn TP. Huế mà các xã, phường ở huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy, Hương Trà... lâu nay vẫn tồn tại nhiều đoạn sông không chảy do bèo, rác dày đặc bốc lên tanh tưởi. Đơn cử như thị trấn Phú Đa (Phú Vang) một nhánh sông bắt từ con sông lớn Đại Giang ngang qua tổ dân phố Đức Lam Trung, dài hơn 1km chứa đầy bèo lục bình và rác không chỉ làm ảnh hưởng môi trường sinh thái, cảnh quan mà còn gây khó khăn trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Anh Trương Minh Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa chia sẻ, bèo lục bình đang là vấn nạn ở địa phương này. Theo anh Thanh, năm nào Phú Đa đều trích ngân sách 30-40 triệu đồng để tổ chức ra quân 2-3 lần trục vớt, xử lý, nhưng 1-2 tháng sau bèo vẫn như ban đầu. Biết là chiến dịch này "như đá ném ao bèo", nhưng không còn cách nào tối ưu hơn.
Thời gian trước ở địa bàn TP. Huế để trục vớt bèo, làm sạch, thông thoáng các đoạn sông, hồ, hằng năm đã trích ngân sách hàng trăm triệu đồng phân bổ về các xã, phường xử lý. Đồng hành với các địa phương còn có chiến dịch "Ngày Chủ nhật xanh" do lãnh đạo tỉnh khởi xướng huy động tinh thần xung kích cán bộ, lực lượng thanh niên làm sạch các mặt hồ, dòng sông vơi đi bèo, rác. Tuy nhiên, do các địa phương nơi đây không có phương tiện cũng như nguồn nhân lực để thực hiện bài bản và chiến dịch "Ngày Chủ nhật xanh" không còn duy trì thường xuyên nên nhiệm vụ này được giao cho Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) chủ lực trục vớt, thu gom, xử lý.
Những ngày đầu tháng 4 đến nay, HEPCO huy động nhân lực, phương tiện ra quân trục vớt bèo, rác trên các sông, mặt hồ. Hình ảnh áo xanh của HEPCO lội sông để vây, kéo, trục vớt, đưa xe vận chuyển đi xử lý... khá chuyên nghiệp nhưng xem ra khó dứt điểm, bởi do tác động môi trường, ý thức của người dân còn hạn chế.
Lãnh đạo HEPCO chia sẻ, với thực trạng bèo rác tấn công các dòng sông, lòng hồ trong khu vực dân cư hiện nay không thể mãi là điệp khúc - trục vớt - xử lý và dọn mà cần sự chung tay nhiều phía chứ riêng HEPCO không thể đảm đương nổi. Việc chung tay này cần đồng bộ; trong đó ngoài chiến dịch vệ sinh, trục vớt bèo thường xuyên từ các tổ chức, ban ngành, đoàn thể thì ý thức người dân rất quan trọng - phải biết tự hào, bảo vệ giữ gìn dòng sông quê mình trong xanh, đẹp hơn.
Bài, ảnh: Song Minh