Giải quyết nhiều câu hỏi về nhiều vấn đề

Sau năm 2025, ASEAN sẽ như thế nào? Các mối đe dọa hiện hữu với ASEAN là gì? ASEAN có mở rộng thành viên không? Làm thế nào để chúng ta có thể biến ASEAN trở thành một tổ chức toàn diện hơn? ASEAN có thể thúc đẩy tiến trình đưa ra các quyết định hiệu quả để ứng phó với khủng hoảng không? Làm thế nào để vai trò trung tâm của ASEAN có thể được bảo vệ và thúc đẩy? Cũng như triển vọng trong tương lai của nền kinh tế kỹ thuật số ở ASEAN là gì...

ASEAN phải trở thành một cộng đồng mà không có ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh minh họa: nhandan.vn

Trên đây là những câu hỏi thường gặp và nhiều câu hỏi khác sẽ được trả lời trong tương lai gần, khi Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 bắt đầu đi vào hoạt động. HLTF, tổ chức đang phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, đã họp nhóm lần đầu tiên tại Ban Thư ký ASEAN vào ngày 1/4 vừa qua. Với 20 thành viên, nhóm đã thảo luận về Kế hoạch Công tác năm 2022, Quy trình nghị sự (RoP) của HLTF và các nội dung cốt lõi của tầm nhìn. Được biết trong đó, HLTF quy tụ các nhân vật nổi tiếng (EP) và đại diện cấp cao (HLR) từ các quốc gia thành viên ASEAN và Tổng thư ký ASEAN.

Vào tuần thứ hai của tháng 11, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ phê duyệt các yếu tố cốt lõi do EP soạn thảo. Sau đó, nhóm HLR sẽ phải bổ sung thông tin chi tiết của dựa thảo, bao gồm toàn bộ các vấn đề của Cộng đồng ASEAN, chạm đến 3 trụ cột là an ninh/chính trị, kinh tế và văn hóa/xã hội.

55 năm nhìn lại, ASEAN đã phải trải qua một chặng đường dài để đến với giai đoạn phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, với tư cách là một tổ chức liên chính phủ khu vực, ASEAN vẫn luôn được nhìn nhận và công nhận trong mọi lĩnh vực.

ASEAN trở thành cộng đồng 656 triệu dân như hiện nay là nhờ vào nỗ lực của “những người cha sáng lập” và nhiều kế hoạch hành động, cũng như tầm nhìn được đặt ra trong những thập kỷ qua. Với tầm nhìn 2025 hiện tại, có thể hình dung khu vực là một “Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập”. ASEAN hiện đang đối mặt với một loạt những thách thức mới, kể đến như đại dịch COVID-19 và tác động của nó, ô nhiễm xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, căng thẳng khu vực...

Do đó, Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 cần hướng tới cả “phía trước” và “bên ngoài” về sự tham gia của các nước thành viên ASEAN, cũng như tăng cường hơn nữa các mối quan hệ của khu vực với cộng đồng quốc tế rộng lớn và thúc đẩy mối quan hệ với các đối tác đối thoại ngày càng trở nên có ảnh hưởng hơn.

Trước khi tầm nhìn hiện tại kết thúc sau 4 năm nữa, sẽ còn rất nhiều vấn đề cần được thảo luận dựa trên ý kiến đóng góp của các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm cơ sở - những tổ chức, cơ quan đã và đang tích cực hỗ trợ chính phủ của họ giải quyết và đối phó với những thách thức tiêu cực trong cả kinh tế, xã hội gây nên bởi đại dịch COVID-19. Tầm nhìn mới sẽ thay đổi cách tiếp cận từ trên xuống của ASEAN theo hướng thực hiện một quá trình tổng thể hơn.

Hình dung hành động cho tương lai dựa trên 3 trụ cột

Được biết, trong cuộc họp đầu tiên, HLTF đã xác định các vấn đề ưu tiên được thực hiện từ ba trụ cột bao gồm:

Về trụ cột an ninh và chính trị, nó nêu bật các chủ đề liên quan đến vai trò trung tâm của ASEAN và các cam kết với cường quốc bên ngoài, thông qua những cơ chế do ASEAN lãnh đạo và nhiều cơ chế khác, chẳng hạn như Khuôn khổ Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong lĩnh vực kinh tế, thách thức quan trọng sẽ là tìm ra cách các quốc gia thành viên có thể thu hẹp khoảng cách phát triển và khoảng cách về kỹ thuật số.

ASEAN sẽ phải tái hình dung tương lai kết nối trong khu vực và cách thức tối ưu hóa các kế hoạch hợp tác tiểu vùng khác nhau, nhằm mục tiêu mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội hơn cho công dân của khối.

Về trụ cột văn hóa/xã hội, HLTF sẽ phải giải quyết một số thách thức, đặc biệt là những thách thức liên quan đến tính bền vững trong thế giới hậu COVID-19, trao quyền cho giới và bình đẳng giới, cũng như biến cộng đồng ASEAN trở thành một cộng đồng mà không có bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh nhiều thách thức đang cần được lưu tâm giải quyết, điều quan trọng là phải nâng cao năng lực thể chế thông qua cải thiện công việc liên ngành của ASEAN và củng cố Ban Thư ký ASEAN.

Ngay cả khi Tầm nhìn ASEAN 2025 - 2035 được hoàn thành, sẽ có những ý tưởng mới được xây dựng dựa trên những thành công và tiến bộ trong quá khứ. Như vậy, một điều rõ ràng rằng ASEAN sẽ cần phải kiên cường và thực tế để đối mặt với trật tự toàn cầu đang thay đổi sẽ xuất hiện sau năm 2025.

Trên hết, ASEAN sẽ phải là một cộng đồng dựa trên luật lệ, hướng tới con người, nơi các quyền cơ bản của con người và quyền tự do cơ bản của công dân được bảo vệ.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Bangkok Post)