Đó là cả nỗi khổ, nhưng vợ con anh phải chấp nhận, bởi đều là khách làm ăn với anh. Anh phải tiếp, phải uống vì công việc, vì mưu sinh, vì nuôi sống vợ con, chứ không phải vì say sưa nát rượu. Vợ con anh rất hiểu điều đó, nhưng vẫn không thể vượt nổi cái cảm giác khổ sở luôn thường trực. Riêng anh cũng không sung sướng gì, sau một đêm bị “tửu hành”, sáng ra đôi lúc thấy như đi trên mây trên mưa, người rạc đi, chỉ có thể húp được chút cháo gọi là cho có calo trong người để lao động. Thế nhưng, có khi chiều lại phải “chiến đấu” tiếp. Chị vợ vừa than khổ vừa thương chồng, nhưng chẳng biết phải làm gì hơn. Bởi, chồng có “chiến đấu” gia đình mới có niềm vui thu nhập; còn như mãi không có khách đáo nhà, xem như dạo ấy gia đình chỉ có chi mà không có thu.
Mà đâu phải mình anh, chuyện tiếp khách, rồi say xỉn đến bò lết, thậm chí có khi còn dẫn đến ngộ độc rượu trong xã hội ta bây giờ gần như là không hiếm, nếu không muốn nói là phổ biến. Ngay cả tôi, cả bạn, có lẽ cũng không ít lần phải “thọ nạn” như thế.
Đôi lúc bần thần ngồi nghĩ, không hiểu cái tập quán hễ gặp, tiếp khách là dứt khoát phải bia, phải rượu nó xuất phát từ bao giờ và từ đâu. Hành vi có lẽ là từ lâu rồi, nhưng thành tập quán thì chắc là vài mươi năm trở lại đây, khi đời sống đã ngày mỗi trở nên dễ chịu, không còn phải quá bận tâm đến cơm áo gạo tiền, ăn bữa hôm lo bữa mai của một thời khó nhọc. Đó là tự suy đoán thế, chứ không biết có chính xác hay không. Cho đến một ngày bất chợt đọc lại “Vũ Trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ, mới thấy rằng suy đoán của bản thân ít nhiều là có cơ sở.
“Vũ Trung tùy bút” là tập sách bằng chữ Hán gồm 88 mẩu chuyện được Phạm Đình Hổ viết vào khoảng đầu đời Nguyễn, “ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn với 4 nội dung chính: -Nghiên cứu phong tục và sự biến thiên qua các thời đại; - Một số mẩu ký sự, hồi ức; - Miêu tả và thưởng ngoạn thiên nhiên với con mắt của một nhà nghệ sĩ; - Phân tích một số hiện tượng văn học, tìm hiểu đặc điểm và sự phát triển của các thể tài văn học Việt Nam…” (Phạm Đình Hổ - “Vũ trung tùy bút”; NXB Trẻ-1989). Trong tập sách này, về phong tục, Phạm Đình Hổ đã ghi: “…Khi làng xóm vào đám xuân thu tế tự, hoặc có gọi con hát đến hát thờ thần, thì cỗ bàn và tiền thường không xa xỉ lắm. Người nào làm hơi quá, thì ai ai cũng cười mà bác rằng không phải thành lệ của tiền nhân. Khi nào có bè bạn thân thích qua chơi, không phải bậc khách quý hay không phải khi đại lễ, thì không giết gà vịt. Chè tàu giá rất rẻ, nhưng người nghiện chè tàu cũng ít, chỉ có nhà quyền môn thế tộc mới có thể uống chè tàu. Khi nào có khách, thết rượu, chỉ dùng cái chén nhỏ bằng đầu ngón tay cái, uống vài chén rồi thôi ngay, nếu mời uống quá thì ai cũng chê là say đắm…”. Giờ đọc lại, nghe rất hồn hậu, nhẹ nhàng, tao nhã. Đâu như bây giờ, trà, rượu, cà phê… thâu đêm suốt sáng, vừa lãng phí thời gian, bào mòn sức khỏe vừa gây nên bao hệ lụy cho xã hội.
Thế mới biết, nếu đọc lại sách cũ của tiền nhân, ta sẽ có thể thu thập và chắt lọc được bao nhiêu là điều hay lẽ tốt. Làm sống lại và tỏa lan những điều ấy không đơn giản là sự giữ gìn văn hóa, giữ gìn di sản của cha ông, mà trong một góc độ nào đó còn hữu ích cho cả sự dựng xây và bồi đắp cho nếp sống văn minh, tiến bộ.
HÀN YÊN