Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam; doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ tham gia và đầu tư vào Thừa Thiên Huế… Về phía tỉnh có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các sở, ban, ngành, và doanh nghiệp…

Tại phiên thảo luận chuyên đề điện & năng lượng

Thảo luận 3 nhóm chuyên đề

Trước khi hội nghị diễn ra phiên cấp cao. Các phiên thảo luận chuyên đề về các chủ đề như, du lịch, nông nghiệp và môi trường, điện và năng lượng đã hướng đến những giải pháp để phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Theo đó, hướng phát triển nông nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trước hết là trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sau đó là các loại rau, hoa, cây ăn quả và cây dược liệu. Phát triển chăn nuôi trang trại và gia trại đảm bảo an toàn sinh học đối với các vật nuôi chủ lực. Tiếp tục phát triển trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý, trên cơ sở chú trọng phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, đồng thời củng cố tổ chức hợp tác xã để làm hạt nhân trong các khâu kiên kết. Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là rà soát ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý, quy trình sản xuất theo từng lĩnh vực của ngành…

Phiên thảo luận chuyên đề cũng bàn đến du lịch xanh. Loại hình này cần được phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Để du lịch xanh trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh trong thời gian đến, ngành du lịch tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện với môi trường; không làm tổn hại đến các giá trị tài nguyên; không làm biến tướng, mất đi các giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản; không đánh đổi tài nguyên, môi trường với phát triển du lịch bằng mọi giá… Ngành du lịch tỉnh cũng đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch xây dựng và ban hành “Bộ tiêu chí du lịch xanh” cho các mảng: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành, điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc. Tạo ra căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như “tour xanh”, “khách sạn xanh”, “nhà hàng xanh”, “khu nghỉ dưỡng xanh”…để du khách dễ dàng nhận diện và đăng ký sử dụng.

Đối với điện và năng lượng, các chuyên gia, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, tỉnh đang có tiềm năng điện mặt trời trên mặt đất và mặt nước; có thể phát triển điện khí, điện gió trong tương lai.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh và AmCham Việt Nam

Kêu gọi đầu tư vào 4 khu vực trọng điểm

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Theo đó, Thừa Thiên Huế là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có đường bờ biển dài 128km, có hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với tổng diện tích khoảng 22.000 ha; có cảng Thuận An và vịnh Chân Mây với độ sâu tự nhiên từ 9-14m; cảng nước Chân Mây đảm bảo đón được các tàu trọng tải lớn của thế giới. Hiện nay, tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư vào 4 khu vực trọng điểm, đó là Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Khu công nghiệp tỉnh, Khu đô thị mới An Vân Dương, các khu vực ven biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh mong muốn đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp Thừa Thiên Huế và doanh nghiệp Mỹ, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, tiếp cận với các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư và công nghệ quốc tế để giới thiệu và kết nối đến cộng đồng địa phương và ngược lại; tạo cơ hội gặp gỡ trực tiếp giữa các nhà đầu tư; hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động hợp tác, giao lưu, cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh; giới thiệu quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, tranh thủ nguồn đầu tư của Hoa Kỳ trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển Thừa Thiên Huế thành một thành phố văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, xanh và thông minh trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đánh cao chủ đề hội nghị, ấn tượng đối với tiềm năng phát triển của Thừa Thiên Huế. Với vị thế này, Thừa Thiên Huế hội tụ các điều kiện để phát triển xanh.  Đại diện Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, nút thắt chuyển đổi xanh là khơi thông thể chế về quản lý xanh. Ngoài ra, cần nguồn lực xanh; cần gắn chặt với việc giải quyết các vấn đề xã hội, tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm.

“Bộ sẽ đồng hành, hỗ trợ tỉnh tiếp cận các mô hình, kinh nghiệm về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh; sẵn sàng đồng hành trong hợp tác quốc tế và đào tạo, nâng cao năng lực”, đại diện Bộ Ngoại giao nói.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch và Bộ Công thương cũng cho rằng, Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để phát triển  kinh tế và đang đi đúng hướng trong bối cảnh hiện nay. Thừa Thiên Huế thể hiện rõ thông điệp với nhà đầu tư là tỉnh sẽ phát triển kinh tế theo hướng sạch, xanh.

“Đưa Huế thành một điểm đến xanh”, đó là ưu tiên của AmCham trong thời gian tới. Tổ chức này cũng sẽ có những hợp tác đễ hỗ trợ Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế theo hướng xanh bằng một thỏa thuận hợp tác với tỉnh được ký kết vào cuối hội nghị.

Bài, ảnh: Lê Thọ