Khách quốc tế thích thú khi trải nghiệm cuộc sống dân dã ở đầm phá |
Đa dạng điểm đến
Nghỉ lễ dài ngày, chị Nguyễn Hằng Lê (TP. Hồ Chí Minh) đưa gia đình gồm 12 người khám phá tour du lịch Con đường di sản miền Trung. Qua hai ngày tham quan phố cổ Hội An, xem lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, cả nhà chị Lê tiếp tục hành trình ra Huế. Gặp chị Lê tại không gian làng nghề ở Công viên Tứ Tượng tối 1/5, chị cho biết: “Đến Huế, cả nhà chúng tôi đã tham quan các danh lam thắng cảnh, khám phá làng quê Thủy Biều. Huế đẹp và nên thơ quá, phong cảnh từ thành phố đến đồng quê rất hữu tình. Điều thú vị là chúng tôi còn được tham gia Festival Nghề truyền thống với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trải nghiệm nghề truyền thống của Huế và khắp mọi miền đất nước. Tôi đã mua rất nhiều hàng mỹ nghệ và thổ cẩm truyền thống mang về làm quà”.
Với vợ chồng ông Jain (du khách Pháp), những khoảnh khắc trải nghiệm trên phá Tam Giang là khoảng thời gian tuyệt vời. “Chúng tôi đã được đi thuyền trên phá Tam Giang, ngắm phong cảnh yên bình, tìm hiểu công việc đánh bắt của người dân và được tham gia đổ nò nữa. Đây là những trải nghiệm thật tuyệt mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên”, ông Jain nói.
Tại Công ty du lịch Hue tourist, ông Trần Quang Hào, Giám đốc cho hay: “Trong dịp lễ, tour Con đường di sản miền Trung bán rất chạy. Chỉ mấy ngày nhưng chúng tôi đã phục vụ 38 đoàn khách, chủ yếu là khách nội địa”. Ông Hào cho biết thêm, khác với mọi năm, năm nay khách quốc tế vẫn đến Huế trong mùa thấp điểm. Ngoài tham quan tour truyền thống là văn hóa di sản, du khách nước ngoài rất thích được khám phá đời sống dân dã ở phá Tam Giang, làng quê Thủy Biều hay Cầu ngói Thanh Toàn. Buổi tối, chúng tôi còn đưa khách tham quan không gian trưng bày và trình diễn các nghề truyền thống. Ai cũng tỏ ra hào hứng và thích thú tìm hiểu nghề truyền thống Việt.
Ông Lê Ngọc Sanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngoài tour truyền thống là du lịch văn hóa di sản, du khách đến Huế dịp này quan tâm đến loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, đầm phá. Đây cũng là thời điểm diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế nên ngoài tham quan không gian trình diễn nghề và các chương trình lễ hội, du khách còn kết hợp tham quan các làng nghề nổi tiếng, như: đúc đồng, kim hoàn, đan lát Bao La, hoa giấy Thanh Tiên, tranh Làng Sình hay về Cầu ngói Thanh Toàn xem trình diễn nông cụ, tham gia các trò chơi dân gian...
Nhiều khách sạn kín phòng
Theo ngành du lịch, trong những ngày nghỉ lễ từ 28/4 đến 3/5, khách du lịch đến Huế tăng cao. Tất cả các khách sạn đều kín phòng, cao điểm vào ngày 29, 30/4 và 1/5, các khách sạn từ 1 đến 4 sao đều đạt 100% công suất, chỉ trừ các khách sạn 5 sao và một số khách sạn nhỏ hoặc nhà nghỉ.
Ông Nguyễn Hàng Quý - Giám đốc Công ty HG Huế cho biết: “Chưa có con số thống kê chính xác nhưng lượng khách đến Huế của chúng tôi tăng cao, đặc biệt là khách nội địa”. Ông Trần Quang Hào phấn khởi: “Nghỉ lễ dài ngày cộng với các chương trình lễ hội đặc sắc diễn ra trong dịp này nên tình hình năm nay khả quan, sôi động hơn năm ngoái. Chỉ trong mấy ngày lễ, chúng tôi đã phục vụ hơn 500 lượt khách”.
Ông Lê Ngọc Sanh cho biết, qua thống kê ban đầu, từ ngày 28/4 đến 3/5, Thừa Thiên Huế đã đón khoảng 110 nghìn lượt khách, cao hơn dự tính ban đầu là 81 nghìn lượt; trong đó khách quốc tế trên 34 nghìn, chủ yếu là khách Pháp, Mỹ, Thái Lan, Anh, Úc…, số còn lại là khách nội địa, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước và trong đợt nghỉ lễ, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, chấn chỉnh đối với các cơ sở lưu trú, đội ngũ hướng dẫn viên, hoạt động ca Huế trên sông và các điểm nóng về du lịch… nên môi trường du lịch được đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Hà, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Dù lượng khách tăng đột biến nhưng môi trường du lịch đợt lễ năm nay được đảm bảo. Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy không có gì nổi cộm, tình trạng chèo kéo giảm hẳn, giá cả ổn định, không có tình trạng nâng giá, ép giá như mọi năm. Trong những ngày lễ, chưa có du khách nào gọi điện qua đường dây nóng của Sở để phàn nàn”.