Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, các trường có trách nhiệm công khai cho phụ huynh, học sinh (HS) biết thông tin về tổ chức dạy học lớp 10 trong năm học tới của trường mình. Thời gian công bố cần thực hiện từ đầu tháng 5, trước khi HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10.

Năm nay thí sinh thi vào lớp 10 phải xác định luôn tổ hợp các môn sẽ học suốt 3 năm cấp 3. Ảnh: Quang Vinh

Thiết kế tổ hợp theo thực trạng mỗi trường

Bà Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết: Nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, xây dựng cấu trúc chương trình nội dung giáo dục theo các tổ hợp. Để HS lựa chọn các tổ hợp, các nhà trường trong cụm Đống Đa đã bàn bạc và xây dựng các tổ hợp tối ưu nhất để đưa các phương án phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thế mạnh các trường trong nội dung giáo dục để HS và phụ huynh nghiên cứu và lựa chọn.

Cụ thể, Trường THPT Kim Liên đang có đội ngũ giáo viên các môn khoa học tự nhiên (KHTN) (Lý, Hóa, Sinh) nhiều gấp đôi số lượng giáo viên các môn khoa học xã hội (KHXH). Nhà trường sẽ xây dựng thành 3 nhóm tổ hợp các môn học lựa chọn lớn theo 3 lĩnh vực: KHTN, KHXH và năng khiếu nghệ thuật.

Mỗi nhóm tổ hợp có 3 lựa chọn, do vậy, tối thiểu mỗi HS có 6 lựa chọn. Dự kiến, trong năm đầu nhà trường sẽ cố định số lớp dạy tự chọn KHTN và số lớp tự chọn KHXH căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường.

Thiết kế tổ hợp theo đội ngũ giáo viên sẵn có và thế mạnh giáo dục của nhà trường là phương án chung được nhiều trường lựa chọn trong tình thế hiện nay. Tuy vậy, bà Lương Quỳnh Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây cũng bày tỏ mong muốn Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cho các trường trong việc thiết kế các tổ hợp lựa chọn.

Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên dạy môn nghệ thuật, bà Hiền cho hay, nhóm thứ 3 về lĩnh vực nghệ thuật khả năng cao năm nay trường chưa thực hiện được do chưa có giáo viên… Trong trường hợp có một số ít HS đăng ký và trúng tuyển vào trường có nguyện vọng học tổ hợp này, bà Hiền cho biết các trường trong cụm có thể liên kết với nhau để “dồn” số ít HS ở cùng một môn học nào đó để tổ chức giảng dạy.

Ông Nguyễn Quốc Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, đã trao đổi với các trường THCS trên địa bàn huyện để nếu có HS lựa chọn môn học này thì sẽ huy động giáo viên dạy mỹ thuật, âm nhạc ở các trường cấp dưới lên dạy; hoặc 6 trường THPT trên địa bàn huyện sẽ tập hợp HS ở các môn học có ít HS lựa chọn cũng như còn thiếu giáo viên để tổ chức lớp học theo cụm trường.

Tuy nhiên, những giải pháp tình thế này rõ ràng sẽ kéo theo những bất cập như việc sắp xếp lớp học thế nào nếu tổ chức dạy học một số môn theo cụm trường? Giáo viên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc của lớp 6 có đáp ứng được yêu cầu dạy học chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT hay không? Các thầy cô đã được tập huấn ra sao?...

Tăng cường tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh

Nhìn nhận câu chuyện lựa chọn trong 108 tổ hợp của Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10, GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, hiện nay các nhà trường mới đang chủ động lên “thực đơn” những món mình có để HS lựa chọn. Về lâu dài, cần có phương án dài hơi, không thể làm kiểu tình thế như hiện nay thì chưa hoàn toàn đúng với tinh thần HS được quyền lựa chọn môn học.

Học sinh thi vào lớp 10 năm học 2020-2021.

Đây là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 với định hướng nghề nghiệp rõ ràng ngay từ khi bắt đầu vào THPT, kéo theo đó là những thay đổi trong phương án tuyển sinh của các trường THPT.

Điểm chuẩn vào các trường của từng tổ hợp chuyên đề sẽ có sự khác nhau, thậm chí chênh lệch lớn trong khi phụ huynh và thí sinh chưa có cơ sở tương tự của các năm trước để tham khảo nên cần suy nghĩ thận trọng. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến câu chuyện hướng đi sau khi tốt nghiệp để cân nhắc lựa chọn tổ hợp, ngôi trường sao cho chính xác.

“Khác với năm trước là cứ thi đỗ vào trường rồi học đều các môn, đến lớp 12 mới chọn tổ hợp học tăng tốc để thi đại học, năm nay thí sinh sẽ phải xác định luôn tổ hợp sẽ học suốt 3 năm cấp 3. Bài toán lúc này cũng giống như thi đại học, chọn ngành theo nguyện vọng, năng lực rồi mới chọn trường top đầu hay top giữa, gần nhà hay trường tiên tiến chất lượng cao… Thí sinh cần tham khảo kỹ chỉ tiêu của nhà trường, kế hoạch dạy học với đội ngũ giáo viên để từ đó quyết định sẽ điền nguyện vọng như thế nào” - ông Dong đưa ra lời khuyên.

Về phía nhà trường, ông Dong cho rằng việc “phích cứng”HS sẽ học tổ hợp nào trong suốt 3 năm cấp 3 ngay từ đầu sẽ thuận lợi cho các trường về mặt đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, trong quá trình học cần có sự tư vấn, định hướng kỹ càng từ các thầy cô, đặc biệt là với những HS còn băn khoăn về sự lựa chọn của mình có đúng, phù hợp hay không?

Bên cạnh đó, vị này cũng đề xuất các cơ quan quản lý cần sớm có những hướng dẫn cụ thể đối với những thí sính sau khi vào cấp 3 muốn chuyển đổi sang tổ hợp khác với tổ hợp đã đăng ký thì sẽ giải quyết thế nào? Thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 sẽ ra sao, có thay đổi phù hợp với Chương trình GDPT 2018 hay không để phụ huynh và HS yên tâm lựa chọn tổ hợp, trường thi theo nguyện vọng.

Theo daidoanket.vn