Cuối tuần qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng về văn hóa, du lịch. Tỉnh đã làm rõ, định hình được 4 trụ cột lớn để phát triển; trong đó có bảo tồn, tôn tạo di tích, phát huy giá trị văn hóa Huế và ưu tiên phát triển du lịch; đã xác định văn hóa là trụ cột để phát triển, xây dựng được các thương hiệu về văn hóa, sản phẩm văn hóa riêng có.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tỉnh đang gặp phải mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Du lịch chưa phát triển xứng tầm, lượng khách, thời gian lưu trú chưa nhiều; các thiết chế văn hóa cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.
Cũng tại buổi làm việc, bên cạnh thuận lợi, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chia sẻ, tỉnh đang gặp khó khăn về kinh phí trùng tu di sản, xã hội hóa khai thác di sản...
Trong số các giải pháp được gợi mở tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để phát phát triển, Thừa Thiên Huế cần làm rõ nội hàm bản sắc văn hóa Huế là như thế nào, từ đó xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng phương án xã hội hóa, xây dựng sản phẩm du lịch...
Trước đó, nhiều năm qua, tại không ít hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị di sản và du lịch, những khó khăn, hạn chế trên cũng được không ít lần đề cập. Các chuyên gia trăn trở, với quá nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế phải chọn được các thế mạnh, sản phẩm chủ lực để phát triển, nếu không sẽ dàn trải, cái gì cũng có mà không sâu, trong khi nguồn lực có hạn.
Chỉ riêng về du lịch, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng, như du lịch văn hóa di sản; du lịch biển và đầm phá; du lịch lễ hội; du lịch tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... Các thế mạnh này cũng được tỉnh xác định là các mũi nhọn chiến lược ưu tiên đầu tư khai thác. Từ tiềm năng, lợi thế riêng có, Huế cũng đã định hướng khai thác giá trị di sản văn hóa để trở thành Kinh đô áo dài, Kinh đô ẩm thực, Kinh đô lễ hội...
Điều không ít người e ngại là, trong điều kiện tiềm lực kinh tế địa phương chưa mạnh, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao..., nếu không xác định, làm rõ được nội hàm để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thì khó tạo được bứt phá. Thực tế cho thấy, so với tiềm năng, hiện nay sản phẩm văn hóa, du lịch của Huế chưa phong phú, còn nhỏ lẻ, thiếu chiều sâu và còn nặng tính phổ thông, đại trà.
Định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển trên lõi văn hóa, di sản. Không chỉ giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị, để văn hóa thực sự là trụ cột phát triển, tạo nguồn thu, tăng sức mạnh kinh tế, tạo công ăn việc làm... cần tập trung cho bài toán phân khúc tiềm năng, để tập trung nguồn lực đầu tư. Cùng với đó là nhận diện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở vật chất, mở rộng thị trường, xây dựng cơ chế xã hội hóa...
NHẬT NGUYÊN