Châu Á đối mặt với viễn cảnh "lạm phát đình trệ" do ảnh hưởng từ nhiều thách thức đang còn tồn tại. Ảnh minh họa: AFP/Lao động

Cụ thể, quyền Giám đốc Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF Anne-Marie Gulde-Wolf phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: “Việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ là cần thiết ở hầu hết các quốc gia, với tốc độ thắt chặt phụ thuộc vào diễn biến lạm phát trong nước, cũng như áp lực từ bên ngoài”.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế cho khu vực, theo sau Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố vào tuần trước, cho thấy dự báo tăng trưởng của châu Á đã bị cắt giảm xuống còn 4,9%. Đây là hậu quả do sự ảnh hưởng bởi suy thoái ở Trung Quốc, vấn đề vốn đang tác động đến các nền kinh tế liên kết chặt chẽ khác.

Được biết, lạm phát hiện dự kiến sẽ tăng 3,2% trong năm nay, cao hơn 1% so với mức đưa ra hồi tháng 1 vừa qua.

Tuy nhiên, cũng theo bà Anne-Marie Gulde-Wolf, bất chấp sự tụt hạng trong triển vọng tăng trưởng, châu Á vẫn là khu vực năng động nhất thế giới và luôn là nguồn lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cộng thêm các vấn đề liên quan đã khiến giá lương thực và nhiên liệu trên toàn thế giới tăng cao, trong khi các ngân hàng trung ương lớn cũng đang phải tăng lãi suất để tránh lạm phát. Điều này sẽ gây áp lực lên các nước có nợ lớn.

Sự suy thoái nghiêm trọng hơn dự kiến sẽ nhìn thấy ở Trung Quốc, gây nên do các đợt phong tỏa kéo dài và mở rộng để chống dịch COVID-19, hoặc thị trường bất động sản sụt giảm lâu hơn cũng gây ra “những rủi ro đáng kể cho khu vực”.

Quan chức của IMF cho biết: “Đây là thời điểm đầy thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách, khi họ cố gắng giải quyết áp lực tăng trưởng và lạm phát gia tăng”. Cùng với đó, khả năng cao những sóng gió có thể sẽ làm trầm trọng thêm thiệt hại từ đại dịch COVID-19.

Triển vọng khác nhau của khu vực sẽ tùy thuộc vào sự phụ thuộc của các quốc gia vào năng lượng nhập khẩu và liên kết với Trung Quốc, trong đó tăng trưởng ở các quốc đảo Thái Bình Dương đang chậm lại một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, Australia lại chứng kiến một sự tăng trưởng nhẹ.

Đối mặt với tình trạng này, chính phủ các nước sẽ cần có những chính sách mạnh mẽ, bắt đầu với việc viện trợ có mục tiêu cho các gia đình nghèo - những đối tượng người dân chịu tổn hại nặng nề nhất bởi giá cả cao hơn.

Nhiều nước sẽ cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát gia tăng, trong khi những nước có nợ cao có thể sẽ phải cắt giảm chi tiêu và thậm chí là tìm cách giảm nợ, các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong một bài blog.

“Tăng trưởng chậm và giá cả tăng, cùng với những thách thức khi tình hình xung đột vẫn còn nhiều căng thẳng, đại dịch lây lan và thắt chặt điều kiện tài chính sẽ làm trầm trọng và gây nhiều khó khăn cho tiến trình hỗ trợ phục hồi, kiềm chế lạm phát và nợ”, nội dung bài blog cho biết.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)