Không chỉ có cây dưa hấu, nhiều cây trồng khác của nhà nông như cà chua, đến khi chín rộ không bán được phải đổ bỏ cho bò ăn. Có nơi bắp cải phải mang làm phân xanh do không tìm được đầu ra.

Dù trồng đại trà hay sản xuất nhỏ lẻ thì việc nông dân bán được sản phẩm vẫn là khâu khó khăn nhất. Đây cũng là lý do thôi thúc Tổ chức Cầu châu Á Nhật Bản tại Việt Nam giúp nông dân 3 phường Thủy Xuân - Thủy Biều, Hương Long hình thành cửa hàng bán lẻ đầu tiên của nông dân tại Huế. Một dự án mà ở đó, nông dân được hướng dẫn qui trình trồng rau, nuôi lợn và gà sạch để người sử dụng có được thực phẩm tốt. Quan trọng hơn, với cửa hàng phân phối, bán lẻ của chính mình, người nông dân sẽ làm quen với tư duy kinh doanh, biết tự tìm đầu ra mà không phải phụ thuộc vào thương lái. Các loại rau, củ, thịt, trứng... bán tại cửa hàng, người nông dân được nguyên 100% giá trị sản phẩm.
Cửa hàng là do nông dân góp kinh phí làm ra, nhân công cũng do nông dân tính toán để trả, vì thế phần lãi nông dân được toàn bộ. Khác với khi chưa sản xuất theo quy trình và chưa có cửa hàng phân phối, bán lẻ, nông dân chỉ biết làm ra nông sản, còn giá cả thế nào đều tùy thuộc vào tư thương. Một bó rau muống nếu người dân bán cho tiểu thương khoảng 3 ngàn đồng. Khi bán lại cho người tiêu dùng, mỗi bó ít nhất cũng 5.000 đồng. Chỉ một bó rau, người nông dân đã mất 2.000 đồng, nếu tất cả các nông sản do người nông dân làm ra đều như thế thì người nông dân sẽ thiệt không nhỏ về kinh tế, nhất là khi việc trồng rau nuôi lợn, gà là nguồn sống chủ yếu và lâu dài của nhiều thế hệ gia đình nông dân.
Gặp Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân - Đồng Sỹ Toàn mới đây, anh cho rằng, mô hình vừa sản xuất vừa bán là mô hình khá mới mẻ, nhưng phù hợp với tư duy hiện đại. Phải để người nông dân làm chủ, tự chủ động trong sản xuất, kinh doanh mới cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế.
Nhiều ưu điểm nhưng đến nay, việc nhân rộng mô hình theo kế hoạch của dự án vẫn chưa suôn sẻ. Số nông dân tham gia dự án còn khiêm tốn chủ yếu do người tiêu dùng vẫn có thói quen ra chợ, chưa quen đến mua ở cửa hàng. Điều này khiến người ta nhớ lại các mô hình rau sạch từng được các siêu thị đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, sau một thời gian hình thành đã không duy trì được do nhiều lý do: Chi phí đầu tư cao, khó cạnh tranh về giá; hình thức rau sạch không bắt mắt, ít được người tiêu dùng chọn lựa…
Xem ra, câu chuyện đầu ra cho nông sản vẫn còn luẩn quẩn. Giới chuyên gia cho rằng, Nhà nước đã có những chính sách kịp thời với nông dân khi cây lúa gặp sâu bệnh, khi lũ lụt, thiên tai, khi nông sản rớt giá. Nhưng cần hơn để nông nghiệp phát triển ổn định là những chiến lược sản xuất lâu dài, bền vững gắn vùng nguyên liệu với xuất khẩu chính ngạch, công nghiệp chế biến, thay vì để nông dân tự bơi giữa biển thị trường mênh mông như lâu nay.
Huệ Tâm