Hàng triệu trẻ em ở vùng Sừng châu Phi chịu cảnh đói kém do biến đổi khí hậu gây hạn hán kéo dài. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

Cụ thể, Kenya, Ethiopia và Somalia đang phải chịu đựng điều kiện thời tiết khô hạn nhất trong hơn 40 năm và các cơ quan cứu trợ đang tìm cách nhằm tránh lặp lại nạn đói xảy ra cách đây 1 thập kỷ, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.

Phát biểu trước một hội nghị được tổ chức tại Geneva, Giám đốc Martin Griffiths thông tin rằng tổ chức hiện chỉ đang có một phần nhỏ trong số tiền cần thiết để ứng phó với hạn hán. Tuy nhiên, cũng trong chính sự kiện này, các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ gần như toàn bộ 1,4 tỷ USD nhằm giúp giải quyết vấn đề cấp bách này cho người dân.

Vị giám đốc nhấn mạnh: “Chúng ta không nên đánh mất sự khẩn trương cần thiết phải hành động. Trước đó, ông cũng thừa nhận rằng xung đột ở Ukraine có thể có nguy cơ làm lệch hướng sự chú ý và nguồn tài chính của thế giới”.

Đồng tổ chức cuộc họp, Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố hỗ trợ 633 triệu Euro (674,40 triệu USD) nhằm tăng cường an ninh lương thực cho khu vực. Đồng thời, Canada cũng công bố tài trợ 73 triệu USD cho nỗ lực này.

Một mùa mưa thất bại lần thứ tư xảy ra ở khu vực vẫn ngày càng kéo dài, nhiều khả năng sẽ tạo ra điều mà Giám đốc Martin Griffiths cho rằng “là một trong những trường hợp khẩn cấp tội tệ nhất lịch sử do khí hậu gây ra”.

Được biết, hơn 15 triệu người trong khu vực đã phải trải qua mức đói kém nghiêm trọng, những người chăn nuôi đã mất 3 triệu con gia súc do hạn hán ở vùng Sừng châu Phi này.

Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu ở Liên Hiệp quốc, cơ quan hàng đầu về khoa học khí hậu toàn cầu nhận định, các đợt nắng nóng, hạn hán và lượng mưa cực đoan sẽ trở nên thường xuyên hơn trong những thập kỷ tới khi nhiệt độ tiếp tục tăng cao.

Đan Lê (Lược dịch từ Reuters)