Trẻ em tị nạn Iraq xếp hàng bên ngoài một trường học của Liên hợp quốc tại trại tị nạn Hasan Sham. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết tâm tạo ra sự khác biệt và thay đổi cuộc sống, Quỹ Sáng kiến ​​Toàn cầu Mohammed Bin Rashid ở Dubai đã thành lập Trường học Kỹ thuật số và đang hướng tới mục tiêu đào tạo cho 1 triệu trẻ em tị nạn và kém may mắn trong vòng 5 năm tới.

Giai đoạn thử nghiệm của Trường học Kỹ thuật số đã được bắt đầu vào năm 2020 và giai đoạn chính thức đầu tiên vừa được triển khai trong năm nay ở 5 quốc gia, bao gồm Ai Cập, Jordan, Iraq, Mauritania và Colombia. Có tới 20.000 học sinh sẽ đăng ký học trong năm nay, song song với việc đào tạo cho 500 giáo viên. 120 trung tâm giáo dục cũng sẽ được triển khai, cung cấp các tài liệu học tập bằng tiếng Ả Rập, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.

Thiết lập quan hệ đối tác

Trường học Kỹ thuật số có một liên minh toàn cầu gồm hơn 35 tổ chức quốc tế, với các tổ chức học thuật, giáo dục và nghiên cứu, chẳng hạn như UNESCO, UNICEF, Đại học Harvard và Đại học Bang Arizona. Tiến sĩ Waleed Al Ali, Tổng thư ký của trường khẳng định việc thiết lập các mối quan hệ đối tác từ nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, công nghệ, học thuật, chính phủ… sẽ giúp xây dựng được một mô hình trường học kỹ thuật số toàn diện hơn ở mọi địa điểm.

Đồng thời, sáng kiến này ​​cũng hợp tác với một số cơ quan có trụ sở tại Dubai bao gồm Dubai Cares, Phong trào Trăng lưỡi liềm đỏ các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Cơ quan Phát triển Tri thức và Con người. Các cơ sở này đang xây dựng các trung tâm giáo dục tại các trại tị nạn và các khu vực hẻo lánh, song song với việc tận dụng các không gian hiện có. Việc thiết lập thỏa thuận với các chính phủ và các tổ chức quốc tế khác nhau đã giúp dự án giải quyết được nhiều thách thức, bao gồm cả khả năng kết nối, khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông địa phương đã hỗ trợ truy cập Internet miễn phí.

Giáo dục để thay đổi cuộc sống

UNHCR cho biết Trường học Kỹ thuật số sẽ thích ứng với nhu cầu và chương trình giảng dạy của mỗi quốc gia. Với sự hướng dẫn của giáo viên hoặc người hỗ trợ, các tài liệu giáo dục kỹ thuật số sẽ được tải lên internet và việc học diễn ra theo nhịp độ của mỗi học viên.

Tiến sĩ Lesley Snowball - Giám đốc Giáo dục của Trường Kỹ thuật số, tiết lộ rằng cách tiếp cận này giúp học sinh phát triển khả năng phục hồi và khả năng thích ứng cần thiết để tận dụng tối đa cơ hội từ các hoàn cảnh thực tế. “Nó mang lại cho trẻ tị nạn kiến ​​thức và kỹ năng cần thiết cho tương lai trước mắt và lâu dài… Chúng tôi tin rằng các học sinh sẽ cảm thấy thuộc về một cộng đồng rộng lớn hơn và hiểu rằng cộng đồng thế giới thực sự quan tâm đến họ và tiềm năng của họ”, bà Snowball khẳng định.

Cũng theo UNHCR, được tiếp cận với giáo dục và phát triển có thể là một yếu tố giúp làm thay đổi cuộc sống, và thông qua một sáng kiến ​​toàn cầu có một không hai này và khả năng tiếp cận tiềm năng của nó, Trường học Kỹ thuật số đã mang đến cho những đứa trẻ tị nạn và cộng đồng của chúng một niềm hy vọng rất lớn về tương lai.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Euronews)