Kiểm tra "sức khỏe" lúa 

Cuộc hẹn làm việc với HTXNN Vinh Hà được “chuyển” đến trên “cánh đồng không dấu chân”, bởi tất cả các thành viên trong ban giám đốc đang cùng nông dân ra ruộng, tiếp tục khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn trước đó. Đồng thời, theo sát sự phát triển của lúa, để có biện pháp hữu hiệu kịp thời, trước thời gian thu hoạch đang cận kề.

Tại “hiện trường”, ông Đặng Thích, Phó Giám đốc HTXNN Vinh Hà, ông Đoàn Thao, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Vang đang cùng kỹ sư nông nghiệp thuộc Tập đoàn Lộc Trời (đơn vị liên kết sản xuất theo mô hình “cánh đồng không dấu chân”, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất thay một số cách thức canh tác cũ) xem xét, đánh giá tình hình, tiến độ phát triển của cây lúa, để có những xử lý thích hợp, đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế khi thu hoạch.

“Chính quyền địa phương, hợp tác xã và người dân Vinh Hà đã dốc toàn lực, ngoài 3 trạm bơm, chúng tôi huy động toàn bộ máy bơm phục vụ hút nước 24/24 giờ liên tục trong 6 ngày để tiêu úng cho tổng diện tích 78ha. “Chớp cơ hội” 1 buổi tạnh ráo, phía Lộc Trời sử dụng máy bay không người lái phun thuốc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa trên diện tích 107ha “cánh đồng không dấu chân”, sau diễn biến bất lợi của thời tiết, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại”- ông Đặng Thích chia sẻ.

Trước đó, tình hình mưa lớn kéo dài khiến mực nước trên các sông Như Ý, Đại Giang dâng cao từ 1 đến 1,2m, đặc biệt là các hói thoát nước từ các trằm cát ở các xã Phú Hồ, Phú Lương, Phú Gia, Vinh Hà và thị trấn Phú Đa lên cao trên 1,3m làm cho hệ thống đê bao trên địa bàn huyện bị tràn và vỡ một số đoạn gây ngập úng nghiêm trọng.

Ngay trong lúc diễn biến thời tiết phức tạp, chính quyền các cấp, các lực lượng, người dân đã dốc toàn lực, vận hành 100% trạm bơm điện trên địa bàn huyện, huy động toàn bộ hơn 200 máy bơm dầu trong cộng đồng (các máy bơm phục vụ hồ tôm cũng được đưa ra sử dụng) hút nước, tiêu úng. Đồng thời, đắp đất kè các tuyến đê ở Phú Đa, Vinh Hà, Phú Lương, Phú Hồ. Nhiều đoạn đê bị vỡ đã được hàn gắn để tập trung tiêu úng. Do đó, đê Xuân Lương Hồ (bao gồm đê của Phú Xuân) dài 650m bị tràn từ 0,1-0,15m; đê Biền Chàm Phú Lương, đê Cách Ly Phú Lương và đê sông Cùng bị tràn từ 0,1- 0,15m với chiều dài khoảng 450m; đê Tây phá Cầu Hai (đê Đập Làng) bị tràn nhiều đoạn từ 0,1-0,2m, đã khắc phục chống tràn. Nỗ lực hút nước, tiêu úng đã “cứu” được một số diện tích lúa hoặc hạn chế một phần thiệt hại.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, sau thiên tai, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Phòng NN&PTNT huyện đã cùng rà soát trên địa bàn các xã để hướng dẫn nông dân chăm sóc đồng ruộng; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ lem lép, đạo ôn để đảm bảo quá trình sinh trưởng và hạn chế sâu bệnh của lúa.

Về biện pháp khắc phục lâu dài, Phòng NN&PTNT rà soát, tiếp tục tham mưu UBND huyện, trong nguồn lực của địa phương, bố trí nguồn vốn để hỗ trợ sửa chữa một số công trình bị hư hỏng do mưa lũ, đê bao cấp thiết (đắp đất gia cố cao lên) đảm bảo sản xuất và phục vụ công tác phòng, chống mưa lũ, đặc biệt là lũ tiểu mãn của vụ hè thu sắp tới. Đồng thời, kiến nghị ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để xây dựng, nâng cấp các công trình đê bao có trong kế hoạch trung hạn vốn tỉnh, huyện; bổ sung một số công trình chưa có trong danh mục đầu tư công, để đảm bảo đê bao, phục vụ sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Tân, vừa qua, huyện Phú Vang kiến nghị UBND tỉnh có kế hoạch cho triển khai sớm, bố trí vốn sớm đối với những hạng mục do tỉnh đầu tư; nâng cấp các tuyến đê đã có trong danh mục đầu tư công của tỉnh.

Phú Vang bị ngập 5.179/5.889ha chiếm 88% diện tích vụ đông xuân. Trong đó, ngập hoàn toàn do vỡ đê và tràn 2.744ha; ngập từ nửa đến hai phần cây là 2.435ha. Diện tích lúa có khả năng hư hỏng hoàn toàn là 1.000ha, tập trung ở các xã Phú Gia, Vinh Hà, Phú Xuân, thị trấn Phú Đa.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh