Vai trò già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS được phát huy trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách và bảo tồn các giá trị văn hóa

Phát huy vai trò “tuyên truyền viên”

Năm 2020, triển khai việc sáp nhập địa giới hành chính cấp xã ở huyện A Lưới, có 3 đơn vị hành chính chưa đạt 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định. Trong đó, xã A Đớt là đơn vị được sáp nhập với xã Hương Lâm, lấy tên mới là xã Lâm Đớt.

Sau khi có kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại 6 thôn của xã A Đớt về việc sáp nhập xã A Đớt với xã Hương Lâm, với tỷ lệ phiếu tán thành chỉ đạt 38,6%, chưa đạt quá bán theo quy định, lãnh đạo huyện A Lưới tổ chức buổi làm việc với 45 đại biểu đại diện các già làng, NCUT, lãnh đạo xã qua các thời kỳ, các bí thư chi bộ, các trưởng thôn ở xã A Đớt về vấn đề sáp nhập xã A Đớt với xã Hương Lâm.

Các ý kiến của nhiều đại biểu bày tỏ bà con chưa đồng tình bởi tâm trạng lo lắng, băn khoăn về các vấn đề phong tục, tập quán bị xáo trộn, không đồng bộ; mất quyền lợi về chế độ, chính sách; các thủ tục giấy tờ tùy thân phức tạp, rườm rà; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đặt tên xã mới sáp nhập như thế nào…

Ông Hồ Văn Bai, NCUT thôn La Tưng, xã A Đớt (nay là xã Lâm Đớt) cho rằng, xã Hương Lâm và xã A Đớt có người dân là hai dân tộc khác nhau, lịch sử và truyền thống văn hóa khác nhau, vì vậy bà con lúc đó e ngại sau khi sáp nhập không biết sẽ phụ thuộc vào đâu, các thủ tục hành chính, giấy tờ tùy thân sẽ giải quyết như thế nào?

Chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, lãnh đạo huyện A Lưới giải thích, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ không làm ảnh hưởng về chế độ chính sách, phong tục tập quán của bà con Nhân dân. Việc này chỉ nhằm tổ chức lại các đơn vị phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Đồng thời, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, tinh giản biên chế và thực hiện tốt chính sách tiền lương…

Được giải đáp thông suốt về chủ trương, đường lối, các chính sách trong việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, các già làng, NCUT ở các thôn của xã A Đớt tích cực tuyên truyền cho bà con dân bản. Nhờ vậy, đồng bào bày tỏ đồng tình và thể hiện sự nhất trí, tin tưởng.

Ông Nguyễn Minh Sang, thôn A Tin, xã A Đớt (nay là xã Lâm Đớt) chia sẻ, sau khi được giải thích rõ về chủ trương sáp nhập xã, chúng tôi rất ủng hộ và tích cực vận động con cháu thực hiện nghiêm túc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đồng bào lúc đó phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng để cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

“Cánh tay nối dài”

Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Hồ Xuân Trăng cho rằng: "Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của NCUT trong đồng bào các DTTS đối với việc vận động bà con chấp hành các chủ trưởng, đường lối, đã tập trung triển khai hiệu quả chính sách đối với NCUT, phát huy vai trò NCUT đối với từng lĩnh vực, từng địa bàn, mang lại những kết quả rất thiết thực. “Vai trò già làng, trưởng bản và NCUT trong đồng bào DTTS được phát huy, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội ở khu vực miền núi của tỉnh...”.

Xã Thượng Long, huyện Nam Đông là nơi có nhiều già làng, trưởng bản, NCUT trong đồng bào DTTS phát huy vai trò của mình trong công tác giáo dục, vận động con cháu và người dân tích cực tham gia gìn giữ an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các tấm gương NCUT đã nhiều lần tham gia cùng các ban, ngành, chính quyền địa phương vận động sức người, sức của trong Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi.

Nhiều năm qua, già làng Phạm Văn Tâm, người Cơ Tu, ở thôn 4, xã Thượng Long (Nam Đông) đã tự nguyện giúp đỡ chính quyền địa phương trong việc vận động quần chúng, vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong thôn, bản tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả. Trong mỗi lần vận động, ông trực tiếp giải thích cho mọi người về đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, mục tiêu của việc xây dựng nông thôn mới là đem lại đời sống ấm no, sung túc hơn cho bà con mình.

Già Tâm bảo, chương trình xây dựng nông thôn mới là việc kết hợp giữa Nhà nước và Nhân dân, phục vụ chính cho người dân địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tôi đã cùng chính quyền địa phương thông qua mối quan hệ dòng tộc, người thân tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ mình là chủ thể trong việc thực hiện chương trình này. Qua đó, trong công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình, người dân đều đồng tình tự nguyện hiến đất, hiến cây, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chương trình nông thôn mới tại địa phương…

Ông Hồ Xuân Trăng cho biết thêm, đồng bào DTTS của tỉnh có khoảng 11.530 hộ, với gần 55.100 khẩu, sinh sống ở 12 xã biên giới và 33 xã vùng miền núi của các địa phương Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc và Hương Trà, gồm các dân tộc: Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hy và một bộ phận nhỏ các dân tộc khác, chiếm hơn 5,2% dân số toàn tỉnh. Việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, NCUT trong đồng bào DTTS đã tạo nên cánh tay nối dài của chính quyền, góp phần đắc lực vào việc ổn định tình hình an ninh nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi, vùng biên giới của tỉnh.

Bài, ảnh: Bá Trí