Người lao động của Nhà máy Bia Huế ghi lại khoảnh khắc trong chuyến tham quan Phú Quốc trước dịp lễ 30/4 và 1/5. Ảnh: Huda cung cấp

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến người lao động cũng như việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người lao động tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong một thời gian khá dài. Trước những "thiệt thòi" này, ban lãnh đạo nhiều công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đã có những chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng rất thiết thực, bổ ích để động viên, khích lệ tinh thần làm việc của người lao động.

Dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay, Nhà máy Bia Huế thuộc Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam (Huda) tổ chức chuyến đi tham quan nghỉ dưỡng tại huyện đảo Phú Quốc cho toàn thể cán bộ công nhân viên lao động. Để thuận tiện cho việc duy trì, đảm bảo hoạt động sản xuất, công ty chia làm 3 đoàn đi theo 3 đợt khác nhau. Mỗi đoàn đi khoảng từ 85 người. Như nhiều đơn vị khác, sau hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch, mọi hoạt động tham quan nghỉ dưỡng nội ngoại tỉnh của công ty đều không thể tổ chức được. Trở lại thời kỳ hoạt động bình thường mới, để "bù đắp" lại khoảng thời gian cán bộ công nhân viên, người lao động phải chịu "bế quan", công ty tổ chức chuyến đi nghỉ dưỡng này với kinh phí cao hơn, chất lượng và ấn tượng hơn. Anh Đình Ngọc, nhân viên Nhà máy Bia Huế cho biết: Chuyến đi này rất được nhiều anh chị em trong công ty đồng tình hưởng ứng và phấn khởi đăng ký tham gia. Đối với nhiều người, đây là điểm đến du lịch còn mới lạ để trải nghiệm và khám phá. Những năm trước khi chưa xảy ra dịch COVID-19, công ty thường tổ chức cho người lao động đi tham quan trong tỉnh hoặc một số tỉnh lân cận với hạn mức kinh phí vừa phải.

Công ty CP Dệt may Huế động viên tinh thần cán bộ công nhân viên, người lao động bằng việc chi mức tiền thưởng 200 nghìn đồng/người lao động trong dịp đại lễ này để anh em tự tổ chức đi biển, suối khoáng nóng Thanh Tân...

Ông Nguyễn Tiến Hậu, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may Huế cho biết, công ty luôn chú trọng những hoạt động chăm lo người lao động cũng hỗ trợ người lao động khó khăn. Nên các dịp lễ, ngày kỷ niệm lớn nhỏ hay dịp tết, công ty đều dành ngân sách để có chế độ thưởng, bồi dưỡng cho người lao động.

Công ty CP Xi măng Đồng Lâm 2 năm nay tuy không tổ chức cho người lao động đi du lịch nhưng vẫn đều đặn chi thưởng bằng tiền mặt vào dịp 30/4, 1/5 đồng đều cho mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động 2 triệu đồng/ người. Với hơn 550 người lao động trong toàn công ty, đây là nguồn kinh phí không hề nhỏ, được công ty phân bổ để phục vụ hoạt động tham quan, nghỉ mát hằng năm cho người lao động. Năm nay do đang trong thời gian sửa chữa, đầu tư cơ sở, dây chuyền máy móc lớn nên công ty tạm thời không tổ chức cho cán bộ công nhân viên trong công ty đi tham quan nghỉ mát mà kế hoạch sẽ chi hỗ trợ bồi dưỡng bằng tiền mặt để người lao động tự chủ động "chơi lễ" cùng gia đình.

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, dù tổ chức chế độ thưởng lễ cho người lao động theo hình thức nào, thì đây được xem là sự quan tâm, sâu sát của ban lãnh đạo các doanh nghiệp với người lao động, là một ứng xử rất nhân văn. Những chế độ thưởng lễ này cũng là nhiệm vụ của doanh nghiệp giúp người lao động giảm âu lo, xả stress và lấy lại tinh thần phấn chấn để tích cực làm việc sau một thời gian dài đối mặt với dịch bệnh và bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất bình thường mới.

HOÀI THƯƠNG