Mang một chủ đề rộng lớn “Mỹ thuật Việt Nam - Hội nhập và phát triển”, song hội thảo mỹ thuật diễn ra ngày 10.12 tại trung tâm triển lãm Vân Hồ, Hà Nội lại chủ yếu xoáy vào vấn đề nóng: Những hạn chế của cuộc triển lãm mang tính chất nhìn lại đời sống mỹ thuật Việt Nam năm năm qua.  

Chóng mặt vì thưởng thức nghệ thuật

 
Một tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010. Ảnh: H.Lan

“Đây là triển lãm cồng kềnh thuộc hàng kỷ lục của Việt Nam”, nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương bày tỏ sau khi “thưởng thức” 800 tác phẩm điêu khắc, hội hoạ và sắp đặt được bày san sát, chật kín hai tầng nhà M, triển lãm Vân Hồ.

Điều đáng nói, 800 tác phẩm ấy, không phải cái nào cũng là “tuyệt tác” của mỹ thuật Việt Nam trong năm năm qua.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo thẳng thắn nhận định, một số tác phẩm chưa xứng tầm góp mặt trong triển lãm toàn quốc và ngay cả những tác phẩm đoạt giải cũng có cái hơi “non” về mặt bố cục. Cùng chung suy nghĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung góp ý: Chỉ cần loại bớt 1/3 số tranh, triển lãm sẽ “tinh” hơn.

Đây không phải lần đầu giới chuyên môn phàn nàn về cách thức tổ chức triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Theo nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương, thay vì “nhồi” tất tật các thể loại, các chủ đề, các chất liệu vào chung một không gian, lẽ ra, ban tổ chức nên chia nhỏ diện tích triển lãm thành các chuyên đề để người xem dễ thưởng thức, hoặc mạnh dạn cải tiến, tổ chức luân phiên mỗi năm một triển lãm chuyên đề.

Tại hội thảo, không ít đại biểu nhận định, việc lần đầu tiên, nghệ thuật sắp đặt có mặt tại một triển lãm mỹ thuật toàn quốc, dù hơi ít tác phẩm đã thể hiện sự cởi mở của nhà tổ chức. Tuy nhiên, với không ít người, như thế vẫn chưa đủ. Năm năm vừa qua là khoảng thời gian nghệ thuật đương đại bùng nổ tại Việt Nam. Rất nhiều thể loại mới đã xâm nhập sâu rộng vào đời sống mỹ thuật và có được những thành quả nhất định. Không lẽ nào triển lãm mỹ thuật toàn quốc lại bỏ qua khu vực đang hoạt động hết sức sôi nổi ấy.

Nhiều đại biểu cho rằng, nếu như cứ tiếp tục ưu tiên mảng hội hoạ giá vẽ và điêu khắc thì triển lãm mỹ thuật toàn quốc sẽ khó lòng hấp dẫn đông đảo công chúng. Phải chăng, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến gần một tuần “mở cửa”, triển lãm chỉ thu hút được một số lượng người xem khiêm tốn?

Ảnh hưởng hay bắt chước?

 
Nhiều đại biểu cho rằng, nếu như cứ tiếp tục ưu tiên mảng hội hoạ giá vẽ và điêu khắc thì triển lãm mỹ thuật toàn quốc sẽ khó lòng hấp dẫn đông đảo công chúng. Ảnh: H.Lan

Giữ vị trí chủ toạ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo tiết lộ một phát hiện khiến tất cả cử toạ giật mình. Đó là ngay trong Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010, ông nhận thấy có những tác phẩm chịu ảnh hưởng khá mạnh, hay nói thẳng ra là bắt chước “bút pháp” của một vài hoạ sĩ Trung Quốc, đặc biệt là Phương Lực Quân. Tại Trung Quốc, hoạ sĩ này được chú ý với sê-ri tranh khắc hoạ những khuôn mặt người biểu hiện sự trì trệ, ngờ nghệch, khiến người xem “tức mắt”, tự thấy mình cần phải vùng lên, cần phải thay đổi.

Không khẳng định đó là sự ảnh hưởng hay copy, ông kể tiếp một câu chuyện cũng đáng giật mình. Mới đây, một nhà sưu tầm tranh người Trung Quốc sang Việt Nam để tìm kiếm những gương mặt triển vọng. Đương nhiên, nhà sưu tầm tranh này cũng tìm đến Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010. Và sau khi xem hết các tác phẩm, anh chỉ ra gần 10 tác phẩm, theo anh, na ná khuynh hướng Phương Lực Quân.

Chưa kể, có những bức tranh, không hiểu tác giả suy nghĩ gì mà để nhân vật chính mặc trang phục của Trung Quốc. “Tranh này phản ánh cuộc sống của người Trung Quốc chứ không phải của người Việt Nam”, nhà sưu tầm tranh ngỡ ngàng nhắc đi nhắc lại với nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo.

Nhiệt độ hội thảo tăng nhanh khi nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung nhận định: "Việc sao chép một hướng đi nào đó của hội hoạ Trung Quốc, hội hoạ Hồng Kông hiện nay khá phổ biến. Rất nhiều tác phẩm kiểu như vậy đã bị ban tổ chức triển lãm loại bỏ".

Theo đánh giá của một nhà nghiên cứu mỹ thuật là thành viên hội đồng nghệ thuật, 800 tác phẩm trưng bày tại triển lãm được lựa chọn một cách khách quan, công tâm. Những bức tranh “na ná Tranh Trung Quốc” như nhận xét của người này, người kia, nếu xem xét kỹ sẽ thấy chỉ chịu ảnh hưởng ở mức độ học tập chứ không bắt chước tranh ngoại. Tuy nhiên, ngay cả nếu bằng lòng với nhận định này, thì nói như hoạ sĩ Lê Trọng Lân, trong mỹ thuật, việc chịu ảnh hưởng của thế giới có thể thúc đẩy hoặc cũng có thể kìm hãm người hoạ sĩ.

Hương Lan ( SGTT)