Nước sạch hợp vệ sinh là yếu tố giảm dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa

Theo đó, nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia, cam kết của gia đình, cộng đồng, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc quản lý khai thác, vận hành công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn an toàn, bền vững để bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, kêu gọi người dân cùng hành động để có đủ và dùng nước sạch một cách hiệu quả, đảm bảo vệ sinh và thực hành tốt vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh.

Năm nay, Tuần lễ Quốc gia NS&VSMT được tổ chức phát động và hưởng ứng từ ngày 29/4/2022 đến ngày 6/5/2022, có thể kéo dài đến Ngày môi trường Thế giới 5/6/2022 và lồng ghép với các sự kiện, ngày lễ lớn khác, như Ngày môi trường Thế giới, các ngày lễ lớn 30/4 và 1/5 hoặc các ngày lễ hội của địa phương…

Được Chính phủ phát động hàng năm kể từ năm 1998, sự kiện này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh môi trường, góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn.

Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT nông thôn đạt kết quả vượt trội so với các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ dân số nông thôn toàn tỉnh sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 90%, nước hợp vệ sinh đạt 100%. Đơn cử như huyện vùng cao Nam Đông, trước năm 2020 các xã Thượng Long, Thượng Quảng... có thói quen sử dụng nước từ nhiều nguồn, như giếng đào, nước mưa và nguồn nước sông suối... nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng nước không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe cao. Từ dịp cuối năm 2021, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đầu tư xây dựng đưa nhà máy nước Thượng Long công suất 2.000m3/ngày đêm vào hoạt động, người dân ở địa phương và các xã vùng lân cận đã tiếp cận nguồn nước sạch đúng quy chuẩn, nâng tỷ lệ người dân dùng nước sạch toàn huyện vùng cao Nam Đông đến nay đạt hơn 86%.

Anh Hồ Văn Thăng (xã Thượng Long, huyện Nam Đông) chia sẻ: "Khi có nguồn nước này thì nguồn nước đảm bảo sinh hoạt, không bị ô nhiễm, cuộc sống người dân địa phương bước sang trang mới".

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay một số địa bàn vùng sâu, vùng xa ở huyện Nam Đông, A Lưới... vẫn còn tình trạng thiếu nước và dùng nước kém chất lượng tại một số thời điểm. Nguyên nhân do địa bàn chia cắt, nằm xa trung tâm nên chi phí đầu tư hệ thống nước sạch vào nhà còn quá lớn so với mức thu nhập người dân hiện tại.

Theo Nghị quyết 54-NQ/TW của của Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu đến 2025 là 100% người dân Thừa Thiên Huế dùng nước sạch đúng chuẩn. Đây sẽ là dấu mốc tạo bước ngoặt làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân nông thôn, góp phần giảm thiểu tỷ lệ dân số bị mắc các bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia NS&VSMT năm 2022, Sở NN&PTNT kêu gọi các ban ngành, đơn vị, địa phương cùng toàn thể người dân, phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình NS&VSMT góp phần xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành đô thị sinh thái, văn hóa, thân thiện với môi trường. Để đạt mục tiêu này mong rằng các cấp, ngành, toàn xã hội chung tay để mang lưới nước sạch phủ kín toàn tỉnh giúp người dân vùng sâu, vùng xa và khó khăn lâu nay có cơ hội tiếp cận tốt hơn.

 Bài, ảnh: Minh Thương