Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tặng bằng khen cho các học sinh đoạt giải nhất quốc gia, năm học 2021-2022

Tăng dần những tấm huy chương quốc tế

Cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, Trường THPT chuyên Quốc Học nổi tiếng trên toàn quốc khi các học sinh như Hồ Đình Duẩn, Ngô Phú Thanh, Lê Bá Khánh Trình đoạt giải thưởng quốc tế cao. Tuy nhiên, trong suốt hai thập niên từ 1990 đến 2009, số lượng và chất lượng  giải học sinh giỏi cấp quốc gia thấp và rất ít học sinh Quốc Học được tuyển chọn vào các đội tuyển dự thi quốc tế. Thời gian này, học sinh của trường chỉ đạt được 1 bằng khen và 2 huy chương quốc tế và khu vực.

Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay đã có sự gia tăng về số lượng lẫn chất lượng giải. Trường THPT chuyên Quốc Học là 1 trong 10 trường chuyên tốt nhất Việt Nam, thuộc tốp 10 trường chuyên có tổng số giải học sinh giỏi cấp quốc gia cao nhất và top 5 trường có số lượng giải nhất nhiều nhất trong số các trường chuyên toàn quốc. Giai đoạn từ năm 2016  - 2022, Thừa Thiên Huế có trên 360 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó, có 16 giải nhất. Số lượng giải nhất của học sinh Thừa Thiên Huế gấp 1,3 lần bình quân giải nhất của cả nước. Cơ hội đoạt các giải cao ngày càng nhiều khi mỗi năm có từ 7 đến 8 học sinh vào vòng hai đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tham gia đội tuyển quốc tế và khu vực ở nhiều bộ môn khác nhau, như sinh học, vật lý, hóa học và tin học.

Olympic Sinh học Quốc tế năm 2020 đã xướng tên Hồ Việt Đức khi xuất sắc giành huy chương vàng duy nhất cho Việt Nam. Năm 2019, Lê Công Minh Hiếu đoạt huy chương đồng tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương. Hồ Ngọc Vĩnh Phát, học sinh chuyên tin Trường THPT chuyên Quốc Học xuất sắc giành huy chương bạc tại kỳ thi Olympic Tin học Quốc tế năm 2021. Em cũng là thí sinh nằm trong top có điểm số huy chương bạc tốt nhất và điểm cao nhất đoàn Việt Nam, đứng thứ 41/351 thí sinh dự thi. Cũng tại kỳ thi Tin học châu Á - Thái Bình Dương APIO 2021 tổ chức tại Indonesia tháng 5/2021, Phát đã giành huy chương bạc.

Theo thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học, có được thành tích cao ở đấu trường quốc tế nhưng vẫn chưa thực sự yên tâm. Trong 10 năm gần đây, Trường THPT chuyên Quốc Học được tuyển chọn 20 giáo viên. Trường hiện có trên 130 giáo viên thì có đến trên 70 người là thạc sĩ. Tuy nhiên, số lượng giáo viên có học vị tiến sĩ còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên ở nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn. Đội ngũ của trường vẫn chưa nhận được các chế độ của tỉnh cho học tập nâng chuẩn và nâng cao trình độ ở nước ngoài. Một số quy định trong chính sách cho học sinh giỏi và giáo viên trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp chưa đáp ứng đầy đủ và chưa phù hợp so với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dẫn đến tạo một số bất cập.

Cơ chế và lợi thế

Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định giải pháp chủ yếu là “xây dựng Trường THPT chuyên Quốc Học trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam”. Đây sẽ là ngôi trường có sức thu hút trên toàn quốc và hội nhập quốc tế; đội ngũ giáo viên xuất sắc về chuyên môn, tốt về đạo đức nghề nghiệp; chất lượng đầu ra học sinh có tri thức tốt, nhân cách tốt, phát huy được các năng khiếu của bản thân về văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các kỹ năng khác; có năng lực ngoại ngữ, khả năng hội nhập và kỹ năng tổ chức, lãnh đạo cao; đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Hướng đến được đầu tư để trở thành trường chất lượng kiểu mẫu của toàn quốc, ngôi trường này sẽ không chỉ nổi tiếng đào tạo có chất lượng về văn hóa, mà còn có môi trường giáo dục tốt khi học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng. Việc xây dựng mô hình giáo dục tiên tiến, chất lượng là điều bắt buộc phải nghĩ tới khi giáo dục đang trên bước đường hội nhập. Mục tiêu đề ra giai đoạn 2022 -2025, Trường THPT chuyên Quốc Học thuộc vào top 5 và top 3 (2025-2030), trường có thành tích mũi nhọn cao nhất toàn quốc; phấn đấu 90% số học sinh giỏi dự thi cấp quốc gia; từ 1 đến 2 học sinh đạt giải Olympic châu Á hoặc quốc tế mỗi năm.

Cũng theo ông Nguyễn Phú Thọ, muốn làm được điều này cần tạo động lực cho giáo viên nâng cao thành tích mũi nhọn. Có cơ chế chính sách tạo động lực phát triển cho trường chuyên, trước hết, đào tạo bồi dưỡng nâng chuẩn trong nước từ 4 đến 5 giáo viên cán bộ quản lý hàng năm và cấp kinh phí cho 2 đến 3 giáo viên, cán bộ quản lý đi tu nghiệp ở các đại học trên thế giới trong giai đoạn 5 năm. Cho phép sử dụng kinh phí để cử giáo viên tham gia nâng cao chuyên sâu tại các viện, học viện trong nước. 

Giải pháp mời thầy giỏi về giảng dạy cũng sẽ được tính đến. Trường sẽ  hợp tác chặt chẽ với các trường ĐH quốc gia mời các giảng viên, các chuyên gia đầu ngành về giảng dạy các chuyên đề cho các lớp chuyên, đặc biệt là các đội dự tuyển. Không chỉ đầu tư vào những giải quốc gia, quốc tế mà mở rộng học sinh giỏi quốc tế ở các lĩnh vực thiên văn học, kinh tế học, luật gia học, các kiện tướng quốc tế nhằm mở ra cơ hội phát triển năng lực cho học sinh.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng trong việc xây dựng trường tiên tiến, chất lượng cao là phải quán triệt chủ trương xã hội hóa giáo dục, không trông chờ vào ngân sách Nhà nước, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng về đầu tư cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, giáo viên. Theo đề án, giáo dục mũi nhọn, Thừa Thiên Huế sẽ được đầu tư nhiều nguồn lực cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với các trường trung học, đại học danh tiếng trên thế giới… Điều đó đồng nghĩa với việc giáo dục mũi nhọn sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các chính sách đặc thù về chương trình giảng dạy, phương thức tuyển dụng, chính sách thu hút giáo viên.

Tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT về Đề án Phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, giai đoạn 2022-2030 tầm nhìn đến năm 2045, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, cần so sánh những lợi thế nổi trội, cơ chế đặc thù so với các trường chuyên khác trong cả nước để đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả. Cơ ngơi, lợi thế của trường là điều kiện rất thuận lợi để sớm trở thành trường chuyên đạt chuẩn Quốc gia; trong đó, lưu ý đến các thiết chế phát triển toàn diện cho các em học sinh, kể cả đội ngũ giáo viên.

Bài: HUẾ THU - Ảnh: NGỌC MINH