Đến nay, con số những cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên ở Thừa Thiên Huế chỉ còn lại chưa đầy 20 người.
Chiến sĩ Điện Biên. Ảnh: Internet |
Những câu chuyện các cựu binh kể lại sau hơn 60 năm chiến dịch diễn ra vẫn sống động, sôi nổi, đầy nhiệt huyết và cũng đọng lại những thanh âm của sự bi tráng, những mất mát hy sinh mà thế hệ cha anh ta đã từng trải qua để đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc và dân tộc.
Ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, bồi hồi kể lại sự gian nan, vất vả của những chiến sĩ kéo pháo ra trận địa “Khi được giao kéo một khẩu pháo 105, cả đại đội chúng tôi đều vui sướng như đi mở hội, đây là dịp tận mắt thấy những khẩu pháo của quân đội ta. Mới đầu ai cũng cho rằng nhiệm vụ này chẳng có gì là khó. Nhưng khi bắt tay vào kéo một khẩu pháo nặng trên 2 tấn ngược lên dốc 300 - 400, có những dốc đến 600 , bằng sức người, rồi lại cho pháo xuống dốc, mới thấy đây là một việc hết sức khó khăn, nguy hiểm, không thể xem thường và cũng là một kỳ công của chiến dịch.
Ngay từ cái dốc đầu tiên, độ cao bình thường thôi, nhưng lúc đầu chưa quen, mạnh ai nấy kéo, động tác rời rạc, thiếu tập trung nên khẩu pháo đứng ì ra, không nhúc nhích. Sau khi rút kinh nghiệm, động tác thống nhất, hai tay nắm chặt dây kéo, chân bám trụ xuống đất, dùng hết sức kéo theo nhịp hô: hai - ba của người chỉ huy, khẩu pháo cũng chỉ nhích lên được 1 - 2 tấc. Lên tấc nào lại phải chèn ngay tấc ấy, đề phòng pháo trôi tuột dốc. Mỗi đêm kéo pháo phải gắng sức liên tục rất mệt mỏi, mũi, miệng tranh nhau mà thở. Đang mùa đông, rừng núi Điện Biên tiết trời rất lạnh, thế mà mồ hôi và sương đêm ướt đẫm quần áo. Sau nhiều đêm kéo pháo, bàn tay ai nấy đều phỏng, rộp, cánh tay đau nhừ. Khi cầm vào dây kéo, 2 tay rát bỏng đau nhói tận tim gan, nhưng ai cũng phải cố gắng, vì chỉ cần một vài anh em đau tay mà kéo hờ, thì hầu như pháo đứng ì, không nhúc nhích và nguy hiểm hơn nếu pháo trôi, tuột dốc. Sau nhiều đêm kéo pháo, nhiều người trong đơn vị quần rách cả đũng và đầu gối, do phải ngồi để kìm giữ pháo”... Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kéo pháo cùng đồng đội, ông Nguyễn Đình Hưng đã được Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tặng giấy khen. Đối với ông tờ giấy khen này là “Hiện vật tinh thần ấy luôn nhắc nhở tôi là trong đời thường phải luôn giữ vững và phát huy truyền thống của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa”.
Ông Nguyễn Viết Minh đã tham gia đánh trận Him Lam ở Điện Biên Phủ, lúc đó là chiến sĩ thuộc trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đến Điện Biên từ quê hương Quảng Trị, trong trái tim chàng trai trẻ mới qua tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết, hăng hái, muốn đem sức thanh xuân cống hiến cho đất nước. Thời gian tham gia chiến dịch, ông Minh được học tập thư Bác Hồ. Thư Bác trở thành nguồn động viên khích lệ chiến sĩ ngoài mặt trận, xóa tan mọi băn khoăn, lo lắng và họ cùng nhau viết quyết tâm thư gửi lên Bác. Ông Minh nhớ lại: Trong trận Him Lam, dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tần, bộ đội ta nhanh chóng vượt qua sông Nậm Rốm vào vị trí xuất phát. Đúng 17 giờ đợt tiến công thứ nhất của quân ta bắt đầu. Pháo binh bắn cấp tập vào các mục tiêu. Đến 18h30 xung kích đánh bộc phá mở cửa, quân ta tràn lên tấn công vào cụm cứ điểm. Nhưng cuộc tấn công phải dừng lại, vì trong cứ điểm còn một số ổ đề kháng bắn mạnh buộc bộ đội ta phải nằm lại. Trong lúc khó khăn đó, Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót mặc dù bị thương nặng, nhưng anh vẫn vươn người lên lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Bộ đội ta lợi dụng thời cơ nhanh chóng xung phong vào trận địa, các tổ, tiểu đội chia nhau đánh chiếm từng đoạn chiến hào và hầm ngầm của địch.
Đến 23h30, quân ta hoàn toàn tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch thắng lợi. Ai cũng phấn khởi, niềm tin chiến thắng trong mỗi con người như được nhân lên, niềm tin đó cứ theo mãi chúng tôi suốt chiến dịch cho đến hôm nay.
Thiếu tá Nguyễn Cửu Châu, hơn 60 năm trước là đại đội trưởng, Đại đội 54, Tiểu đoàn 148, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 tham gia chiến dịch Điện Biên. Nhớ về những ngày tháng hào hùng ấy, ông còn nhớ như in trận đánh đẩy lùi một tiểu đoàn Lê dương trong chiến dịch. “Từ đầu chiến dịch, phân khu Nam Hồng Cúm được giao cho E57 (Trung đoàn 57) của F304 (Sư đoàn 304) phụ trách. Lúc này, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 54 (C54) kiêm Phó Bí thư chi bộ. Nhiệm vụ của trung đoàn chúng tôi là tiến hành bao vây, kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm.... Sáng 16 tháng 4 năm 1954, vào lúc 4 giờ sáng, lợi dụng bộ đội ta sắp quay về nghỉ ngơi sau mấy tiếng đồng hồ đào công sự, một tiểu đoàn Lê dương chia 2 mũi đột nhập vào chiến hào của C54. Cảnh giác trước âm mưu của địch, đại đội luôn có nhiều phương án tác chiến đối phó với mọi tình huống. Trận địa đại đội nằm giữa cánh đồng bằng phẳng, mọi sinh hoạt đều nằm dưới giao thông hào, có mái che tránh được đạn pháo của địch và dọc giao thông hào đều có hàm ếch để ẩn nấp, dễ cơ động hỏa lực và binh lực. Tôi nhớ nhất là lúc đó, khoảng 4 giờ 30, một toán quân địch đã đến gần vị trí chỉ huy, nhận được lệnh của đại đội, các trung đội đã kịp thời tản ra hai bên, dùng súng cối 60 ly và trung liên bắn xối xả vào đội hình đi đầu của địch, một số bị tiêu diệt ngay những loạt đạn đầu. Trung đội 1 và 2 hình thành hai mũi đánh vòng trở lại, trung đội 3 làm nhiệm vụ bảo vệ mặt sau trận địa cũng nhanh chóng tiến ra phối hợp theo đúng phương án tác chiến của đại đội.
Hình ảnh hai chiếc xe tăng bị tiêu diệt ở trận Hồng Cúm cứ hiện về trong ký ức. Đó là lửa chiến tranh, khói đạn bom và cả bầu nhiệt huyết của những chàng trai hừng hực lý tưởng.
Đại đội 54 từ chỗ bị đột kích bất ngờ, nhưng nhờ dự kiến sớm các phương án, xử lý linh hoạt, chủ động nên đã đánh một trận phản kích giành thắng lợi giòn giã”.
Những câu chuyện về Điện Biên - dòng ký ức vô tận của những cựu chiến binh đều đã bước qua tuổi 80, làm rưng rưng dòng lệ trên những đôi mắt già nua của người chiến sĩ già, và cả trong những cặp mắt trong trẻo, tinh anh của thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, những con người đã và đang viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.