Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang có chuyến thăm Thái Lan, chặng cuối cùng trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tin từ Reuters chiều nay (2/5), trong số nhiều thoả thuận được ký kết, Nhật Bản dự kiến ​​sẽ công bố một thỏa thuận quốc phòng mới với Thái Lan trong chuyến thăm của Thủ tướng Fumio Kishida, chặng cuối cùng trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.

Mặc dù chi tiết hiện vẫn chưa được tiết lộ, nhưng thỏa thuận mới này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao phần cứng và công nghệ quốc phòng từ Nhật Bản sang Thái Lan - quốc gia có một trong những lực lượng quân đội lớn nhất và được trang bị nhiều nhất trong khu vực.

Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Noriyuki Shikata tiết lộ với các phóng viên rằng hai nhà lãnh đạo cũng dự kiến ​​sẽ ký một thỏa thuận để cải thiện thủ tục hải quan ở Thái Lan, nơi Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất. Song song đó, Tokyo cũng sẽ gia hạn khoản vay 50 tỷ yên (384,79 triệu USD) để hỗ trợ các nỗ lực giảm thiểu sự lây lan của đại dịch COVID-19 của Thái Lan.

Trong nhiều thập kỷ qua, Đông Nam Á đã là một khu vực chiến lược đối với Nhật Bản, với một số tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp, từ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và các khu công nghiệp đến sản xuất xe cộ và điện tử.

Cũng theo lời Bộ trưởng Shikata, trong cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vào chiều nay, Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine và bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản đối với nỗ lực của khu vực ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, cùng với việc tái khẳng định mối quan hệ bền chặt nhân kỷ niệm 135 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nhật Bản – Thái Lan.

Trong khi đó, ông Chaiwat Khamchoo, Giám đốc trường cao đẳng chính trị và quản trị tại Viện Quốc vương Prajadhipok Thái Lan, kỳ vọng rằng chuyến thăm của Thủ tướng Kishida sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai nước. Về mặt chiến lược khu vực, Nhật Bản muốn có thêm sự hỗ trợ từ Thái Lan, hiện là Chủ tịch APEC 2022, cho chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này.

Theo ông, Thái Lan hiện đang mong đợi Nhật Bản sẽ đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực xe điện (EV) và kế hoạch Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) của nước này. Và để đạt được mục tiêu đó, ông khuyến nghị Chính phủ Thái Lan nên cung cấp nhiều đặc quyền về thuế hơn để thu hút các công ty nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất sang Thái Lan.

“Với việc Thái Lan hiện đã mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 1/5, chính phủ nên tận dụng cơ hội này để thu hút khách du lịch Nhật Bản”, ông nói thêm.

Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cũng cho biết thêm rằng ngoài việc thảo luận về một số lĩnh vực hợp tác kinh tế song phương, nguyên thủ hai nước cũng sẽ trao đổi về một số chủ đề khác bao gồm hợp tác về các vấn đề an ninh khu vực, cùng với một số vấn đề tiểu khu vực và quốc tế.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & Bangkok Post)