Niềm vui của bà Huệ khi sen “ngự” đồng loạt nở trắng hồ

Hồi sinh sau hàng chục năm vắng bóng

Năm 2019, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt (Hữu cơ Huế Việt) bắt tay nghiên cứu, trồng thử nghiệm một số giống sen trắng của Huế tại hồ Hà Trì ở làng cổ Phước Tích (Phong Điền).

Tiếp đó, năm 2020, sau khi được các cấp, các ngành đồng ý, Hữu cơ Huế Việt tiếp tục mang giống sen trắng trước đây trồng ở Hoàng cung, được Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế mất 8 năm nghiên cứu, phục hồi và lưu giữ với số lượng hạn hữu - trồng thành công cũng ở hồ Hà Trì.

“Được Trung tâm BTDT Cố đô Huế chuyển giao 200 cây giống, chúng tôi đã nhân giống thành công lên thành 600 cây. Nắm vững được quy trình, sau một thời gian tiếp tục triển khai, số lượng sen trắng Hoàng cung được chúng tôi nhân giống lên hàng ngàn cây”, bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt thông tin.

Để nhân giống loại sen nổi tiếng của Huế không đơn thuần là mang cây cắm xuống hồ là xong, mà trước đó phải xử lý bèo, rác, làm sạch hồ, bón phân, khử khuẩn theo quy trình hữu cơ của công ty. Đến thời kỳ thu hoạch, thay vì lấy hết hoa, hạt và củ như các loại sen cao sản thường thấy, khi thu hoạch xong, người ta giữ lại củ, sau đó cắt lá và làm sạch hồ nhằm giữ cho củ không bị mất sức, mùa sau lên cây mạnh khỏe, tươi tốt.

Nhân giống thành công sen trắng Hoàng cung với số lượng lớn, ngoài việc cung cấp trở lại cho Trung tâm BTDT Cố đô Huế một lượng lớn cây giống, tháng 1/2021, được sự đồng ý của Trung tâm BTDT Cố đô Huế, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt đã đưa 2.000 cây giống trồng ở hồ Tịnh Tâm; và tiếp đó là trước Kỳ đài Huế.

“Trồng ở hồ Tịnh Tâm phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều so với hồ Hà Trì hay Kỳ đài, do ở đây ô nhiễm nặng hơn. Dù trước đó đã được tỉnh và Trung tâm BTDT Cố đô Huế hỗ trợ trục vớt, xử lý rất nhiều bèo rác nhưng lúc bắt tay vào trồng, không chỉ thực hiện nghiêm cẩn quy trình hữu cơ, chúng tôi còn cấy hàng ngàn viên nén vi sinh để xử lý tầng đáy, giúp nước bớt ô nhiễm. Đồng thời, tiếp tục xử lý hàng chục tấn bèo rác tồn đọng trong hồ”, bà Huệ cho hay.

Không phụ lòng người, tháng 4/2021, hồ Tịnh Tâm như được bao phủ bởi màu trắng tinh khiết của hoa, màu xanh mơn man của lá và mùi hương dịu nhẹ, thanh khiết của sen trắng đặc trưng xứ Huế sau hàng chục năm vắng bóng.

Nhân giống thành công sen "ngự" còn đồng thời tạo việc làm cho người dân quanh vùng

Nâng tầm thương hiệu

Cũng trong thời điểm trồng sen tại hồ Tịnh Tâm, Hữu cơ Huế Việt được UBND tỉnh “đặt hàng” qua dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất cây sen tại Thừa Thiên Huế theo chuỗi liên kết”. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm từ sen, đặc biệt là các giống sen cổ của Huế nhằm có thêm sản phẩm chất lượng cao, góp phần quảng bá và nâng tầm giá trị cho các sản phẩm từ sen của Huế.

Hồ Tịnh Tâm - nơi ngày xưa được 8.000 binh lính tham gia cải tạo - có lớp cát ở tầng đáy, lớp bùn ở tầng giữa và lớp bùn non ở tầng trên. Có lẽ, với cấu tạo khá đặc biệt như vậy nên khi trồng, sen phát triển rất tốt, ra hoa mùi thơm dịu thanh, không nồng gắt; hạt và củ sen mềm, thơm, dẻo và bùi, dù tươi hay khô, ăn trực tiếp hay qua chế biến chất lượng vẫn hơn xa các nơi khác.

Từ việc khôi phục và nhân rộng giống sen “ngự”, Hữu cơ Huế Việt đã cho ra mắt nhiều sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao, như: trà ướp hoa sen, hạt sen sấy khô mang thương hiệu Sen trắng Hoàng cung và trà sen thảo mộc. Trong đó, trà sen thảo mộc là sự phối hợp giữa tim, lá và củ sen, được điều chế bằng công thức của nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà, giúp ngủ ngon, giảm cân khá hiệu quả.

Hạt sen và trà ướp hoa sen, hạt sen Tịnh Tâm sấy khô của Hữu cơ Huế Việt được đánh giá bùi, dẻo, bở và thơm hơn các loại hạt sen khác trên thị trường, nên dù giá thành cao gấp 3-4 lần nhưng hàng vẫn bán rất chạy. Trà ướp hoa sen thơm nhẹ nhưng lâu tan, giúp tinh thần sảng khoái. Những sản phẩm này vừa là mặt hàng bình dân, nhưng cũng vừa nằm trong phân khúc quà tặng cao cấp được thị trường cả nước ưa chuộng.

Sau nhiều đơn hàng từ các tỉnh, thành bạn, mới đây, có một công ty ở Hà Nội đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ sen Huế nhưng mang thương hiệu của công ty khi ra thị trường. Trước đề nghị này, Hữu cơ Huế Việt đã từ chối, dù rằng, đảm bảo được đầu ra luôn là mong muốn của mọi doanh nghiệp.

“Nhân giống thành công sen “ngự” ở Hà Trì, khu vực trước Kỳ đài và hồ Tịnh Tâm không đơn thuần mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, đây còn là câu chuyện liên quan đến nhiều giá trị cộng đồng khi tạo việc làm cho người dân quanh vùng trồng sen; hạn chế tối đa việc xả rác xuống hồ; thêm một điểm nhấn về du lịch, văn hóa mang giá trị lịch sử, góp phần đưa thương hiệu sen Huế nói chung, sen hồ Tịnh Tâm nói riêng lên một tầm cao mới. Vì lẽ này, chúng tôi không chấp nhận đề nghị của công ty bạn”, bà Huệ chia sẻ.

Trận mưa lũ trái mùa cuối tháng 3 vừa qua làm thiệt hại gần 10ha sen trắng ở hồ Tịnh Tâm và khu vực trước Kỳ đài. Đến tháng 5 tới, Hữu cơ Huế Việt bắt đầu trồng lại sen trắng ở 2 địa điểm này.

Bài: HÀN ĐĂNG - Ảnh: NVCC