Mùa hè nắng nẻ đất khô. Những loài rau trong vườn nhà dần rụi hết. Chỉ còn lại hai loài rau vẫn sống khỏe, đó là rau húng quế và rau chanh (rau é). Rau chanh là tên gọi riêng của quê tôi về loài rau này. Năm mô cũng rứa, mạ tôi gieo hạt trồng lác đác vài bụi rau chanh, rau quế hai bên thành giếng nước. Rứa là chiều mô, anh em tôi múc gàu tắm giếng, mấy bụi rau cũng được tắm theo mà tươi tốt từng ngày...
Rau quế có thân màu tím, lá màu xanh đậm, mùi thơm cũng đậm, ngon và thơm nhất khi làm món bóp với rau muống luộc. Còn rau chanh có thân và lá màu xanh nhạt, mùi thơm thanh tao có thoảng chút vị của lá cây chanh. Hồi nhỏ, mỗi buổi sáng tôi vẫn thích ngắt vài ngọn rau chanh xoa lên tay và hít hà thật dễ chịu. Nhưng nhớ rau chanh là nhớ những món canh những trưa mùa hè. Rau chanh nấu canh với cá me, cá cơm hay cá nục tươi có vị rất riêng. Mà hình như công dụng của lá rau chanh chỉ để nấu vài tô canh với cá vào mùa hè thôi, nhưng vườn nhà không thể thiếu.
Bây chừ ở quê tôi, rau quế đã được trồng nhiều và mang bán từng trẹt nhỏ để ăn với phở, làm rau sống hay bóp với rau muống, thịt đầu heo... Nhưng rau chanh thì cũng chỉ trồng lác đác vài bụi bên tường nhà, gần bờ rào, bên giếng nước để thỉnh thoảng ngắt vài ngọn lá nấu canh cá tươi chứ không ai bán mua chi cả. Những lần về nhà cũ, nhìn bụi rau chanh vẫn xanh tươi trong cái khô rát của gió Lào thấy thương và thèm một bát canh cá cơm, cá me, cá nục mạ nấu trưa hè có mùi thơm của rau vườn, mùi nồng của biển...
Cách đây chừng hơn tháng, tôi về quê và hỏi chú em: Nhà mình năm ni không thấy trồng rau chanh? Chú em lắc đầu rồi chợt nhớ ra hình như nhà hàng xóm có trồng. Nhưng lên nhà hàng xóm cũng không thấy. Ông bạn hàng xóm nghe chuyện liền lấy xe chạy đi một chặp và mang về cho tôi một cây rau chanh bé tẻo teo: “Tui qua tận bên xóm Rồn mới có mấy cây, ông mang vô Huế mà trồng!”. Chiều nay, sau cơn mưa giông mát lành đầu hạ, tôi được ăn tô canh rau chanh trồng ở phố với cá nục tươi do con gái nấu. Món canh ưa thích của tôi mà cũng thiệt lâu là lâu mới được ăn lại. Mùi và vị canh rau chanh đã làm tôi bé lại như một chiều mưa giông thơ ấu quê nhà.
Nhà văn, họa sĩ gốc Huế Võ Đình viết rằng: “Nới rộng tâm hồn cho lắm cũng chỉ bao la đến: "miếng cà bát hấp dằm nước mắm tỏi...". Độ cuối xuân mấy cây cà bên vườn nhà tôi bắt đầu tượng trái. Cái giống cà bát (hay cà tím) này mới là thân thuộc với người quê nhất, cho dù sau này người ta trồng cà dê hay cà chua nhiều hơn. Mà người quê trồng cà bát cũng chỉ để làm phong phú thêm cho mâm cơm, chứ ít nhà có dư để mẹ già nách rổ ra chợ quê bán lấy mấy đồng. Cây cà bát lớn nhanh, cho trái nhanh mà ít cần công chăm sóc. Khi mô trái cà to bằng cái chén ăn cơm và vỏ có màu tím tươi và đều thì có thể hái vô làm thức ăn.
Cà bát cắt thành từng lát nhỏ kẹp với rau thơm chấm ruốc ăn sống. Món này ngon không chỉ từ vị của cà rau ruốc, mà cả từ âm thanh giòn rụm khi cắn miếng cà làm đôi và nhai đều. Cà bát cũng được kho với cá nục chuối. Miếng cà thấm hương và vị của cá nục lại cho một vị riêng, chẳng phải cá cũng chẳng phải cà, chỉ nói là thơm ngon đậm đà. Rồi có khi chiên trái cà với mỡ heo ăn béo béo, bùi bùi...
Còn món cà bát dằm nước mắm tỏi ớt là món cầu kỳ nhất và cũng vì thế mà ngon nhất. Những trái cà khứa ra từng lát nhỏ rồi cứ để nguyên cả trái đã khứa cho vô nồi cơm hấp hoặc có thể chưng cách thủy. Trái cà chín còn bốc hơi là bỏ vô chén hoặc tô nước mắm cá tỏi ớt đặt giữa mâm cơm. Cà đã thấm nước mắm tỏi ớt lại rồi lấy muỗng dằm ra cho thấm thêm. Một lát cà dằm nước mắm thôi mà ăn hết một chén cơm. Cơm nóng, cà bát nóng, nước mắm tỏi ớt dậy hương thì đúng là bao la...
Phi Tân