Từ đầu năm đến nay, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch trọng tâm, trọng điểm như: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam đến năm 2030”; "Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư năm 2022”; Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”; Đề án “Cố đô Khởi nghiệp năm 2022”...
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao đổi, chia sẻ về một số cơ chế chính sách phát triển ngành KH&CN
Về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành KH&CN đã chủ động tổ chức, triển khai thực hiện những chương trình, đề án, chính sách lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, ngành KH&CN đang gấp rút hoàn thiện các đề án, dự án quan trọng để triển khai trong giai đoạn 2021-2025 như: Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế, Chương trình Ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (đang trình ban hành).
Trong quý 1 năm 2022, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ các năm trước, ngành KH&CN tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ KH&CN 4 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia bắt đầu năm 2022: Đề tài “Bảo tồn và phát triển giống nhãn Đại Nội, vải Đại Nội khu vực Kinh thành Huế phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Cố đô Huế, góp phần phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tại địa phương”; Đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây tràm tại các tỉnh Bắc Trung Bộ”; Đề tài “Chuyển giao mô hình “Xã nông thôn mới thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh” hướng tới huyện thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế”; Đề án “Nghiên cứu công nghệ sản xuất nguyên liệu, bào chế viên nang cứng Molnupiravir điều trị COVID-19”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình (giữa) đánh giá cao các ý tưởng, đổi mới sáng tạo sản phẩm của ngành KH&CN
Những tháng còn lại năm 2022, ngành KH&CN xác định mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm là “Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước nhằm phát triển mạnh mẽ KH&CN, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Tập trung đầu tư vào KH&CN, hỗ trợ các ý tưởng đổi mới, sáng tạo, sáng chế thông qua các dự án KH&CN. Đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu”. Trong đó, tập trung tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu - thử nghiệm KH&CN; quản lý công nghệ và thị trường công nghệ; quản lý an toàn bức xạ hạt nhân; sở hữu trí tuệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiêu chuẩn đo lường chất lượng...
Tin, ảnh: Hoài Thương