Khảo sát tư liệu ở nhà thờ họ Nguyễn Đình

Chính sự hồi hương của thân phụ về với Kinh đô Huế, với cố hương Bồ Điền (xã Phong An, huyện Phong Điền) đã gửi gắm, hun đúc bao khát vọng, trao truyền sức sống và truyền thống văn học của gia tộc để cậu tú tài Nguyễn Đình Chiểu, dù lỡ bước khoa hoạn, lại kịp tỏa sáng trong nhiều tác phẩm trứ danh, mang lại niềm tự hào lớn lao cho Nam châu.

Tham khảo tài liệu gia tộc Nguyễn Đình ở Bồ Điền (tộc phổ, phổ ý, công văn bạt độ, cầu siêu... - tài liệu điền dã của VICAS Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Lê Đình Hùng dịch), có thể thấy được truyền thống nổi bật nơi đây.

Lời tựa gia phổ năm 1811 Tân giám Nguyễn thị gia phổ tự do hai người cháu chắt viết là cựu Xã trưởng Nguyễn Đình Nhậm và Nguyễn Đình Hà, làm quan ở Thị Trung, Tả Nhất vệ, tước Hà Tài bá. Trong lời tựa bản tộc phổ năm Bảo Đại 18 (1943) cho biết khởi đầu các đời ở Kinh Bắc, từ triều Hồng Ninh (1591-1592, Mạc Mậu Hợp), “họ Mạc không thần phục, làm loạn Trung Hoa, nên ngài Cao Cao Cao tổ bỏ tối theo sáng vào xứ Thuận Hóa, phủ Triệu Phong, huyện Quảng Điền, xã Bồ Điền mở đất bao chiếm. Từ đó về sau thế đại nối truyền phát tích ở nơi này. Thực từ Khai Canh Nguyễn quý công ban đầu đến các đời nối tiếp thì gia phổ thư tịch đều mất hết, không thể xem xét đời trước trải đến đời sau không thể khảo được”.

Từ đường Nguyễn Đình làng Bồ Điền

Ngài thủy tổ Thượng Cao Cao Cao Cao Tiên Tổ Khảo Trần Lưu quận Nguyễn Thế Lại đại lang. Đời thứ hai là Thượng Đại Cao Cao Cao Tổ Khảo Nguyễn Tôn Nghĩa (Cai) Tri Phó Tướng quý công. Đời thứ ba có các ngài Thượng Cao Cao Tổ Khảo Nguyễn Đình Thảo là Cai tổng, tước Trúc Sơn bá; Cao Cao Tổ Khảo ứng vụ Tướng thần Nguyễn Đình Lúa. Ở đời thứ tư, có ngài Cai tổng Trúc Sơn bá Nguyễn Đình Thảo (có con là Cai tổng Khâm Thắng bá Nguyễn Đình Xuân - chi I, Nguyễn Đình Thung - chi II, tướng thần Nguyễn Đình Phụng...), Bích Nhãn Năng sư đạo hiệu Huyền Thông - Nguyễn Đình Quế, Tướng thần Nguyễn Đình Cao.

Đặc biệt đến đời thứ 7, người con trai thứ hai là Nguyễn Đình Thung sinh hạ ba trai và hai gái, với người con trai thứ ba là Thận Cần hầu Nguyễn Đình Vân (ông cố của Nguyễn Đình Chiểu) từng làm ở Thọ Khương Thượng khố, Viên Định Nhị thuyền Đội trưởng thuộc Long Võ vệ. Ông có với bà vợ thứ ba người con trai là Nguyễn Đình Ánh (ông nội cụ Đồ Chiểu) và con gái Nguyễn Thị Hoãn. Ở thế hệ này, còn có ông Nguyễn Đình Trọng tham gia thủy binh ở Phú Nhất thuyền, là một đạo sĩ - Bích Giản Năng sư, đạo hiệu Huyền Thông, tước Toán Sơn bá.

Bia mộ Văn hàn ty Nguyễn Đình Huy

Thời Đàng Trong, các chúa Nguyễn đầu tư xây dựng hệ thống kho tàng để đảm bảo dự trữ, bảo quản lương thực và thuế má của nhà nước. Sử sách cho biết, từ buổi quốc sơ, chính quyền cho tùy theo thế đất, địa điểm mà đặt kho, lấy tên theo tên xã, để thu chứa tiền thóc và sản vật, như Thuận Hóa có 7 kho là kho Thọ Khang của huyện Phú Vang, kho Nguyệt Biều của huyện Hương Trà, kho Thạch Hãn của huyện Hải Lăng, kho Lai Cách của huyện Minh Linh, kho An Trạch của huyện Lệ Thủy, kho Trung Trinh và kho Trường Dục của huyện Khang Lộc.

Ông Nguyễn Đình Ánh và bà Phạm Thị Ngoan sinh hạ 3 trai 3 gái là Nguyễn Đình Vương, Nguyễn Đình Cảnh, Nguyễn Đình Huy và Nguyễn Thị Diệu, Nguyễn Thị Dị, Nguyễn Thị Ba. Ông Nguyễn Đình Huy từng làm việc trong Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn Tả quân Lê Văn Duyệt ở Gia Định thành (hiện mộ tại xứ Bàu Ao, làng Bồ Điền, kỵ ngày 21/10 AL). Ông có với chánh thất Phan Thị Hữu (người trong làng) hai người con là Nguyễn Đình Lâu, Nguyễn Thị Phu; với bà thứ Trương Thị thiệt (thôn Tân Thái, xứ Gia Định, mộ tại xã Tân Kiêm, Gia Định) 4 trai 3 gái là Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Đình Tự, Nguyễn Đình Huân và Nguyễn Thị Thục, Nguyễn Thị Nữ, Nguyễn Thị Thành.

Văn hàn là một cơ quan chuyên lo văn án giấy tờ và lễ nghi ở các phủ, dinh. Thời Gia Long, phủ của Tôn Thất Thăng từng được mộ 20 dân ngoại tịch có văn học để sung bổ làm văn hàn thuộc phủ. Thời Minh Mệnh, nhà vua sai Phạm Đăng Hưng và Nguyễn Hữu Thận xét hạch các ty Tả hữu lệnh sử, người nào văn học, chữ viết, tính toán vào hạng ưu thì bổ làm thư lại ở lục bộ, hạng thứ thì sung làm văn hàn ở phủ hoàng tử, còn lại thì thải đi. Đương thời, theo điển chế thì ở phủ các hoàng tử, khi hoàng tử đã ra Các đọc sách thì cho phép lập 15 người văn hàn để hầu bút nghiên. Theo lệ định số ty viên văn hàn thuộc phủ các hoàng tử thì mỗi phủ đặt 1 Tư vụ, 1 Chánh bát phẩm thư lại, 2 Tòng bát phẩm thư lại, Chánh tòng cửu phẩm thư lại mỗi chức 2 người. Thậm chí trong Dưỡng Chính đường còn đặt ty Văn hàn, có 30 người là dân ngoại tịch.

Nguyễn Đình Chiểu (13/5/Nhâm Ngọ (1822) - 24/5/Mậu Tý (1888), đậu tú tài năm Quý Mão (1843). Theo Lê Quý Ngưu (Ngư Tiều vấn đáp y thuật, Thuận Hóa, 2006) thì Nguyễn Đình Chiểu tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ - sau khi mù đổi thành Hối Trai, sinh ra tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Năm 12 tuổi, ông được cha đưa ra Huế trọ học ở nhà một đồng liêu. Chừng 7 năm sau, ông trở lại Gia Định, rồi thi đỗ tú tài năm 1843. Ông ra Huế trau dồi kinh sử để dự Đình thí năm 1849 nhưng chưa kịp thi phải trở vào thọ tang mẹ, dọc đường do quá thương mẹ, lại gặp thời tiết và bệnh mắt nên ông bị mù. Tuy nhiên, chính sự cố nặng nề này lại càng hun đúc, tôi luyện giúp ông trở thành một tác gia với nhiều tác phẩm nổi tiếng, ghi đậm dấu son trong lịch sử văn hóa Nam bộ, tiêu biểu là hình tượng Cụ Đồ Chiểu. Ông kết hôn với bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định, sinh hạ Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Đình Chúc, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Khuê (Sương Nguyệt Anh), Nguyễn Đình Chiêm và Nguyễn Đình Ngưỡng.

Tìm trong truyền thống gia tộc, có thể thấy cụ Đồ Chiểu đã kế thừa truyền thống khoa hoạn và văn chương của tiền nhân, nổi bật với sự đóng góp của nhiều bậc Cai tri Phó tướng, Tướng thần xã trưởng, nhiều đạo nhân, quan lại, được ban tước hầu, tước bá, tiêu biểu như ông cố Nguyễn Đình Vân gắn liền Thọ Khương Thượng khố, cha là Nguyễn Đình Huy làm việc ở Văn hàn ty của dinh Tả quân Lê Văn Duyệt...

Việc hồi hương như cụ thân sinh Nguyễn Đình Huy là rất phổ biến và có lẽ nhờ công đức, mới được an táng sát lăng mộ ngài Thủy tổ họ Nguyễn Đình ở làng Bồ Điền. Nếu không đột ngột mất mẹ để phải trở về cư tang, Nguyễn Đình Chiểu dễ có cơ hội thi thố khoa hoạn và cũng trở lại, ở lại kinh đô Huế... Gắn kết đất mới phương Nam với cố hương miền Trung là xu hướng nổi bật cho hành hương tìm về cội nguồn gắn với giáo dục truyền thống, từ gia tộc đến non sông, giúp Huế phát triển du lịch hành hương (cội nguồn thời mở cõi Đàng Trong, gia tộc và tôn giáo tín ngưỡng).

Hy vọng tâm cảm, sự đồng cảm từ yếu tố cội nguồn gia tộc và quê hương thiêng liêng đó sẽ giúp sớm hiện thực hóa trong mùa hè 2022 nguyện vọng xây dựng lại lăng mộ cụ Nguyễn Đình Huy tại bản quán Bồ Điền của gia tộc, với sự trợ lực của Quỹ Văn hóa Huế (VICAS Huế bảo trợ), từ Liên hiệp hội VHNT, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế cùng những tấm lòng vàng thấm đẫm tình yêu quê hương xứ Huế.

Bài: TRẦN ĐÌNH HẰNG - Ảnh: VICAS Huế