Các em nhỏ được cha mẹ tạo thói quen đọc sách từ nhỏ

Chọn sách phù hợp

Dịp Hội sách xuyên Việt được tổ chức tại Huế, chiều cuối tuần, chị Phạm Thị Quỳnh Nhi đưa con nhỏ từ TX. Hương Thủy lên Huế mua sách. Dù chỉ mới ở độ tuổi tiểu học, nhưng con gái của chị rất thích đọc sách. Những cuốn truyện tranh, sách rèn luyện kỹ năng, những cuốn sách trong tủ sách nhân ái được chị Nhi chọn mua cho con, như: Lòng thương người, Tâm hồn giàu có, Lỗi lầm và tha thứ…

Chị Nhi chia sẻ: “Từ khi con còn nhỏ, tôi thường cho con tiếp xúc với sách, đọc sách cùng con, kể chuyện trước lúc đi ngủ nên cháu xem sách là bạn. Cũng nhờ rèn luyện, tạo thói quen từ nhỏ nên cháu rất thích đọc sách, ít xem ti vi hay smartphone. Điều đó khiến tôi rất mừng”.

Trong xã hội hiện đại, trẻ dễ dàng tiếp cận internet và bị cuốn hút bởi nhiều kênh giải trí. Nhiều phụ huynh ý thức được rằng, sách là phương tiện, công cụ giúp con phát triển trí tuệ, rèn luyện nhân cách. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh bận rộn, họ thiếu sự quan tâm, dành thời gian hướng dẫn, rèn luyện thói quen đọc sách cho con.

Trong một buổi nói chuyện truyền cảm hứng đọc sách với chủ đề “Sách vừa là bạn vừa là thầy” của anh Võ Ca Dao, Giám đốc Công ty Dịch thuật và truyền thông – Nhà sách DI tại Thư viện Tổng hợp tỉnh, khi anh hỏi: “Có cách nào để giúp các con thích đọc sách?”. Một số em học sinh đã trả lời: Bố mẹ hãy đọc sách để làm gương, hoặc bố mẹ hãy chỉ ra và giới thiệu cho con những cuốn sách hay.

Theo anh Ca Dao, lợi ích của việc đọc sách đã rõ. Để lan tỏa tình yêu đọc sách cho con trẻ, phải bắt đầu từ người lớn. Người lớn không đọc sách thì khó mà nói trẻ con đọc sách.

Ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng văn phòng dự án Zhi Shan Foundation tại Huế, người nhiều năm lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh cho rằng, các bậc phụ huynh phải ý thức được giá trị của việc đọc sách trên bước đường trưởng thành của con. Ngày nay, các bậc phụ huynh do công việc phải thường xuyên dùng điện thoại. Tuy nhiên, cần tiết chế khi ở nhà, hãy bỏ điện thoại xuống, nên dành thời gian đọc sách cùng con.

Người lớn cần làm gương

Để xây dựng văn hóa đọc cho trẻ, người lớn trong gia đình cần phải tạo thói quen đọc sách cho các em. Phụ huynh ham đọc sách sẽ khơi gợi cho con đam mê sách. Anh Ca Dao nhấn mạnh: “Cha mẹ đọc sách để làm gương, chọn cho con những cuốn sách phù hợp và đọc sách cùng con, con sẽ thích, việc đọc sách sẽ trở nên thường xuyên, trở thành niềm đam mê. Trẻ nhỏ nếu có thói quen đọc, khi lớn lên sẽ tự tìm đến sách”.

Theo ông Hoàng Trọng Thủy, xây dựng thói quen đọc sách cho con đòi hỏi sự kiên trì trong một thời gian dài. Môi trường đọc sách cho trẻ cũng là yếu tố quan trọng không kém. Gia đình nên xây dựng một tủ sách, phòng đọc nhỏ tùy theo khả năng, có thời gian đọc sách cố định để tạo tính kỷ luật và thói quen. Cha mẹ cũng cần tạo sự hứng thú cho trẻ bằng những lời động viên, cổ vũ, khích lệ con bằng những phần thưởng nhỏ, chở con đi nhà sách để con thấy đọc sách mang lại niềm vui. Hoặc, trò chuyện về nội dung, câu chuyện từ sách trong những buổi sum họp gia đình hàng ngày.

Phụ huynh cũng cần có cách gợi mở những vấn đề liên quan đến nội dung cuốn sách, như: Tìm câu hỏi gợi mở, đưa trẻ vào tình huống bất ngờ, vừa đọc vừa hướng dẫn trẻ quan sát, kết hợp trò chơi, thảo luận sau mỗi giờ đọc sách cùng gia đình, dẫn chứng bằng những nhân vật, câu chuyện xúc động từ sách. Đó là cách khơi gợi tình yêu sách.

Chủ một quầy sách thiếu nhi chia sẻ rằng, khi đọc truyện cho con, cha mẹ cần đọc bằng giọng truyền cảm, nhấn nhá, hóa thân vào giọng nói từng nhân vật để tạo nên sự hấp dẫn. Dần dà, con sẽ bị cuốn hút vào thế giới của sách từ nhỏ.

Trẻ coi cha mẹ như một tấm gương và bắt chước làm theo những hình ảnh chúng thấy hàng ngày. Nếu thực sự mong con thích đọc sách, cha mẹ trước hết phải là người làm gương cho con. Do đó, nếu cha mẹ không có thói quen đọc sách, trong nhà chưa từng xuất hiện một cuốn sách thì con cũng khó có thói quen đọc sách. Ngược lại, một đứa trẻ hàng ngày nhìn thấy mẹ cha đọc sách, lớn lên cùng sách thì sẽ say mê, yêu thích một cách tự nhiên.

Bài, ảnh: Minh Hiền