Những ngày qua, bún bò Huế lại được nhắc tới. Đầu tiên là tin lạ mà vui khi trong tháng 4 mới qua, món ăn đặc sản của Cố đô được thành phố Saijo (Nhật Bản) đưa vào thực đơn bán trú tại các trường học nơi đây. Theo NHK News, ngày 26/4, Thị trưởng thành phố Saijo, ông Toshihisa Tamai tới thăm khối học sinh lớp 4 của Trường tiểu học Saijo. Tại đây, ông Toshihisa đã chia sẻ về Huế. Sau khi tìm hiểu và được biết Huế là một thành phố cổ như Kyoto của Nhật Bản, được giới thiệu về món ăn đặc sản của địa phương, các em học sinh đã được thưởng thức món bún bò Huế trong bữa ăn trưa.

Không lâu sau đó, bún bò cùng với bánh khoái làng Chuồn, cơm muối, chè sen và nhiều loại bánh, mứt… đã xuất hiện tại gian hàng ẩm thực đặc sản Huế trong lễ hội “Huế - Kinh đô ẩm thực” Fesival Huế 2022 vào dịp lễ 30/4 và 1/5. Có mặt trong đêm khai hội, tôi được chứng kiến sự phấn khích của nhiều du khách khi trực tiếp xem người dân Huế chế biến để có những trải nghiệm đích thực về các sản phẩm “nguyên bản” của Huế.

Lại nhớ tới cố đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain. Mất hơn một thập kỷ đi khắp thế giới, cuối cùng Tony (tên thường gọi) cũng đã đến Huế và được thưởng thức bún bò Huế ở chợ Đông Ba. “Sợi bún gạo được chan nước dùng nấu công phu từ xương hầm, hòa quyện với mùi thơm của sả, gia vị, ruốc…, ăn kèm với thịt bò ninh mềm, chả cua, chân giò và huyết, tô điểm thêm với chén nước mắm, chanh, ngò, hành lá, tương ớt, bắp chuối thái sợi, giá đỗ… Nó thực sự là đỉnh của đỉnh”. “Vua đầu bếp” chia sẻ.

Chuyện rằng, thủy tổ của nghề làm bún ở xứ Huế là o Bún. Khi những người Đàng Ngoài vào Nam lập nghiệp, có một nhóm người đến định cư ở làng Cổ Tháp. Trong lúc mọi người mải mê với nghề làm ruộng, thì o Bún lại nghĩ ra nghề làm bún. Thật run rủi, một dạo, dân trong vùng bị mất mùa liên tiếp. Có kẻ nghi là do thần linh quở phạt vì o Bún đã đem gạo là “hạt ngọc Trời” ngâm ủ nghiền nát ra để làm bún. Làng cho hai lựa chọn, hoặc bỏ nghề bún, hoặc bị trục xuất.

O Bún chấp nhận ra đi. Năm người thanh niên tình nguyện áp tải cối đá làm bún. Họ đi ven theo sông Bồ cho đến khi người trai làng thứ năm khuỵ xuống với cái cối đá trên vai tại làng Vân Cù. Nơi đây, o Bún lập nghiệp và truyền nghề để cho sợi bún Huế dài đằng đẵng đến nay. Lúc đầu, người xứ Huế nấu bún với giò heo nên tại chợ Gia Lạc chỉ mở ba ngày tết ở Huế xưa, Định Viễn Công (1797 - 1863), phát động thi nấu với hai tiêu chí “thập toàn, ngũ đắc”. Người Pháp đến, món súp thịt bò của phương Tây ảnh hưởng rất lớn và làm cải biên món bún giò heo thành bún bò giò heo như ngày nay.

Nhắc lại chuyện o Bún để hiểu, không dễ “đánh cắp trái tim” Anthony Bourdain. Trong tô bún bò Huế là trăm năm văn hóa Cố đô. Hai sự kiện tô bún Huế cùng lúc xuất hiện trong thực đơn của học sinh Nhật và lễ hội “Huế - Kinh đô ẩm thực” khiến ta liên tưởng đến việc gìn giữ, khai thác và lan tỏa giá trị ẩm thực văn hóa Huế. Ở Nhật Bản, tô bún bò là đại sứ của văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Còn ở ngày hội ẩm thực kia, đóng vai trò thu hút du khách đến với Huế. Trong tô bún bò nóng hổi, người ta thấy xứ Huế không chỉ mộng mơ mà còn thật thiết thân với thường nhật.

ĐAN DUY