Khoảng 190 trẻ em từ 1-6 tuổi trên thế giới đã mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân trong những tuần gần đây. Ảnh minh hoạ: Getty Image

Theo Tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi – người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia, các trường hợp mới được phát hiện sau khi các cơ quan y tế trên toàn quốc được cảnh báo về căn bệnh bí ẩn có liên quan đến bệnh vàng da này ở trẻ em. Được biết, Bộ Y tế Indonesia vẫn đang xác minh nguyên nhân của các ca nhiễm mới nhất ở trẻ em dưới 16 tuổi, thông qua một loạt các xét nghiệm và giải trình tự bộ gen để có thể chắc chắc chúng không phải là viêm gan siêu vi A và E.

Trong tháng trước, 3 trẻ em - 2 tuổi, 8 tuổi và 11 tuổi, đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Cipto Mangunkusumo ở thủ đô Jakarta sau khi có biểu hiện vàng da, và trước đó là các vấn đề tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy nặng.

Những triệu chứng này cũng đã được ghi nhận trong một số trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em các nước khác, chẳng hạn như Mỹ và Anh. Khi điều trị tại bệnh viện, hầu hết các bệnh nhi bị vàng mắt, vàng da và gan phình to.

Dựa trên các cuộc điều tra cho đến nay, không có thành viên nào trong gia đình của những bệnh nhi đã tử vong có tiền sử viêm gan hoặc vàng da, hoặc có các triệu chứng viêm gan tương tự sau khi con cái họ nhiễm bệnh, Bộ Y tế Indonesia cho biết. Các bệnh nhi này cũng có kết quả âm tính với COVID-19, và chỉ có đứa trẻ 2 tuổi là chưa được tiêm phòng viêm gan.

Bộ Y tế Indonesia vẫn đang tiến hành các xét nghiệm và sẽ mất từ 10 - 14 ngày để có kết quả và có thể xác định được nguyên nhân của các ca nhiễm và tử vong nói trên.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trên toàn cầu, ít nhất một đứa trẻ khác đã chết vì viêm gan cấp tính sau sự gia tăng của căn bệnh không rõ nguyên nhân này ở trẻ em, trong khi ít nhất 16 đứa trẻ khác đã phải ghép gan sau khi mắc bệnh.

Singapore vào cuối tuần qua đã xác nhận một trường hợp viêm gan cấp tính ở một em bé 10 tháng tuổi và đang điều tra xem trường hợp này có tương đồng với những ca bệnh được báo cáo ở những nơi khác hay không.

Bộ Y tế Singapore cho biết bệnh nhi này đã bị nhiễm COVID-19 vào tháng 12 năm ngoái, nhưng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy bệnh viêm gan cấp tính có liên quan đến virus SARS-CoV-2.

Tại cuộc họp báo hôm qua, bác sĩ nhi khoa Indonesia Hanifah Oswari đã bác bỏ những suy đoán đang nổi lên rằng bệnh viêm gan cấp tính được gây ra do trẻ tiêm vaccine ngừa COVID-19.

“Đó không phải là sự thật. Không có bằng chứng cho thấy các sự cố viêm gan cấp tính là do vaccine COVID-19 gây ra”, bác sĩ Oswari nhấn mạnh.

Ông lưu ý rằng, mặc dù một số trẻ em nhiễm các loại virus như COVID-19 hoặc adenovirus cũng bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm gan cấp tính, nhưng đó có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Giáo sư Hanifah, nhà khoa học chuyên về các ca bệnh viêm gan cấp tính, cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cảnh giác sớm khi trẻ có vấn đề về đường tiêu hóa và đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Ông nói thêm, vì viêm gan cấp tính có khả năng lây lan qua đường tiêu hóa và đường hô hấp, nên cần tập trung vào việc ngăn chặn sự xâm nhập của virus, chẳng hạn như rửa tay và đeo khẩu trang.

Theo WHO, khoảng 190 trẻ em trong độ tuổi từ 1-6 tại 11 quốc gia trên thế giới, có tiền sử khỏe mạnh, đã mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân trong những tuần gần đây. Trong khi đó, bang Wisconsin của Mỹ cũng đang điều tra một trường hợp tử vong tại bang này. WHO cho biết hầu hết ca mắc viêm gan không rõ nguyên nhân là trẻ dưới 10 tuổi, nhiều trẻ dưới 5 tuổi, trong đó không có đứa trẻ nào có bệnh nền.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Straitstimes & AFP)