Học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng trong giờ học tin học
Học sinh được chọn môn học phù hợp
Chương trình GDPT mới bậc THPT sẽ có 12 môn, gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn. Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương là những môn học bắt buộc. Còn 5 môn học lựa chọn được chọn từ 3 nhóm (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn): Nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật). Riêng môn nghệ thuật gồm hai phân môn âm nhạc và mỹ thuật thì học sinh được chọn một trong hai phân môn. Trừ môn ngoại ngữ, tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học 3 cụm chuyên đề cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn.
Như vậy, học sinh lớp 10 sẽ không phải học lịch sử hay hóa học, sinh học... nếu không muốn, nhưng có thể chọn thêm nhiều môn học khác, như âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục kinh tế và pháp luật… Đây là điểm mới nổi bật trong chương trình GDPT mới triển khai ở lớp 10 từ năm học 2022-2023 và cũng là bước đổi mới căn bản, học sinh được tự chọn nhiều môn học yêu thích để định hướng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên triển khai nên phụ huynh, học sinh và cả các trường vẫn lúng túng. Chị Hà Thị Như, phụ huynh có con sắp thi vào lớp 10 âu lo, con tôi liệu có biết được năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp của mình để chọn tổ hợp môn học phù hợp hay không? Nếu chọn không đúng, cháu sẽ học không hiệu quả, lên lớp 11 phải chọn lại, lúc đó sẽ khó khăn vì phải học và kiểm tra môn mới trong hè. Vì thế, ngay từ đầu, chúng tôi phải cân nhắc kỹ để lựa chọn và mong nhận được sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường.
Còn hiệu trưởng một số trường cũng nêu ra những khó khăn, mỗi khi “trao quyền” cho học sinh lựa chọn môn học, có thể xảy ra tình trạng có môn học được học sinh lựa chọn quá nhiều dẫn đến không đủ giáo viên để giảng dạy, ngược lại có môn học sinh ít lựa chọn lại có nguy cơ thừa giáo viên. Phương án trước mắt được một số trường dự kiến thực hiện đối với nhóm môn lựa chọn, đó là đưa ra “thực đơn” môn học mà nhà trường có đủ giáo viên và điều kiện dạy, sau đó học sinh sẽ đăng ký. Có như vậy mới bố trí, sắp xếp đảm bảo giáo viên có chuyên môn và thời gian hợp lý.
Giao quyền chủ động cho các trường
Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT có điểm hấp dẫn, tiến bộ khi cho học sinh được chọn môn học yêu thích. Riêng môn âm nhạc, mỹ thuật, do lần đầu tiên được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới nên các trường không có sẵn giáo viên môn học này. Thầy Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chia sẻ, trước mắt nhà trường tập trung vào hai tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Còn cơ sở vật chất cũng như đội ngũ dạy âm nhạc và mỹ thuật nhà trường đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ thực hiện trong năm học tiếp theo.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, xác định trong năm học đầu tiên áp dụng chương trình mới sẽ có khó khăn, vì thế sở đã chỉ đạo các trường THPT căn cứ điều kiện của mình để xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn theo định hướng của chương trình. Phương án bố trí giáo viên, hình thành nhóm trên cơ sở thực tế của trường và nguyện vọng của học sinh. Vấn đề học sinh chọn các môn, nhà trường chủ động dạy học phù hợp với những ngành học của địa phương. Các trường phải chủ động tính toán sao cho hợp lý, chẳng hạn, có những vùng các em thích học các môn tự nhiên nhưng cũng có vùng các em lại thích học môn xã hội.
Cũng theo thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông, việc cho học sinh chọn các tổ hợp môn học để học là theo 1 trong 3 định hướng nghề nghiệp mà chương trình thiết kế. Được chọn một trong số các tổ hợp của trường chứ không phải chọn từng môn học. Trường hợp trong một hướng có hai tổ hợp môn học, để bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên của trường, học sinh có cùng định hướng nghề sẽ được xếp vào một trong hai tổ hợp đó. Nếu trong trường hợp phụ huynh học sinh lựa chọn, nhưng nhà trường không tổ chức lớp được thì sẽ vận động phụ huynh có sự chia sẻ, lựa chọn khác để phù hợp với tình hình chung của nhà trường.
Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là môn nghệ thuật sẽ xảy ra ở hầu khắp các địa phương. Riêng Thừa Thiên Huế có nhiều thuận lợi trong việc tuyển dụng giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật phục vụ cho chương trình GDPT mới khi có Trường ĐH Nghệ thuật, Học viện Âm nhạc, ĐH Sư phạm Huế. Sắp đến, ngành giáo dục sẽ tuyển 66 giáo viên, trong đó có cả giáo viên dạy âm nhạc và mỹ thuật. Sở GD&ĐT đã tính toán đến việc xây dựng kế hoạch, bố trí, điều động giáo viên bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các trường; chỉ đạo các trường THPT chủ động hợp đồng với những sinh viên ra trường chưa có việc làm hoặc giáo viên có trình độ đại học đang dạy nhạc, họa ở các trường THCS trên địa bàn. Đối với những trường có số học sinh đăng ký hai môn này ít, phương án dạy liên trường cũng sẽ được tính đến. Giáo viên trong vùng cũng có thể dạy các môn mỹ thuật, âm nhạc ở các trường THPT trên địa bàn. Sẽ có lộ trình tuyển dụng, tránh trường hợp tinh giảm với những bộ môn thừa giáo viên mà lại tuyển ồ ạt những bộ môn thiếu sẽ dẫn đến thừa, thiếu cục bộ.
Cũng theo ông Tân, để chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, tránh tình trạng “ăn đong” như hiện nay, Sở GD&ĐT sẽ có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022 - 2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo.
Bài, ảnh: Huế Thu