Theo FAO, chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 4/2022 đã giảm 0,7% so với một tháng trước đó. Ảnh minh hoạ: Getty

Chỉ số giá lương thực của FAO - theo dõi những thay đổi hàng tháng trong giá quốc tế của các mặt hàng lương thực được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu - đạt trung bình 158,5 điểm trong tháng 4/2022, giảm 0,8% so với mức cao nhất mọi thời đại đã được ghi nhận trong tháng 3. 

“Sự sụt giảm nhỏ của chỉ số này là tín hiệu rất đáng hoan nghênh, nhất là đối với các nước có thu nhập thấp thường phải đối mặt với tình trạng thâm hụt lương thực, nhưng giá lương thực vẫn sát với những mức cao được ghi nhận gần đây, phản ánh sự thắt chặt thị trường kéo dài và đặt ra thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là với những người dễ bị tổn thương nhất”, nhà kinh tế trưởng của FAO Maximo Torero Cullen cho biết.

Mặc dù giảm so với tháng trước, nhưng chỉ số giá tháng 4 vẫn cao hơn 29,8% so với một năm trước đó, nguyên nhân một phần được cho là do những lo ngại về tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo báo cáo của FAO, chỉ số giá ngũ cốc đã giảm 0,7% trong tháng 4 sau khi tăng 17% vào tháng 3. Trong khi giá ngô giảm 3,0%, giá lúa mì lại tăng nhẹ 0,2%.

FAO cho biết lúa mì bị ảnh hưởng bởi sự cố tắc nghẽn tại các cảng ở Ukraine và lo ngại về tình trạng cây trồng ở Mỹ. Tuy nhiên, những lo ngại này đã được bù đắp một phần nhờ các lô hàng lớn hơn từ Ấn Độ và lượng lúa mì xuất khẩu cao hơn dự kiến ​​từ Nga.

Đáng chú ý, chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã giảm 5,7% trong tháng 4, do sự suy giảm nhu cầu đã đẩy giá dầu cọ, hướng dương và đậu nành xuống. Tuy nhiên, FAO cũng ghi nhận sự gia tăng 3,3% đối với giá đường, trong khi chỉ số giá thịt tăng 2,2% và chỉ số giá sữa tăng 0,9%.

Trong các ước tính cung - cầu khác về ngũ cốc, FAO đã giảm nhẹ dự báo sản lượng lúa mì thế giới năm 2022 xuống còn 782 triệu tấn, từ mức 784 triệu tấn được đưa ra tháng trước. Dự báo của FAO cho rằng diện tích thu hoạch ngũ cốc ​​sẽ giảm 20% ở Ukraine và sản lượng ước tính cũng ​​giảm ở Maroc do hạn hán.

Cơ quan này đã tăng nhẹ dự báo thương mại ngũ cốc toàn cầu trong năm 2021 -2022 lên 473 triệu tấn, tăng 3,7 triệu tấn so với dự báo của tháng trước nhưng thấp hơn 1,2% so với mức kỷ lục trong giai đoạn 7/2020 – 6/2021.

FAO cho biết việc điều chỉnh tăng phản ánh lượng xuất khẩu mạnh hơn từ Nga dựa trên các chuyến hàng trong tháng 4, chủ yếu đến Ai Cập, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, hồi tháng 3, FAO đã cảnh báo rằng giá lương thực và thức ăn chăn nuôi có thể tăng tới 20% do những ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine, làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở nhiều nước trên thế giới.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & FAO)