Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ thăm lớp học đàn tranh của Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế 

Phát triển ngành nghề đào tạo

Từ khi thành lập đến nay (1977 - 2022), qua 45 năm xây dựng và phát triển, Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế không ngừng hoàn thiện và phát triển ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, cung cấp lực lượng lao động chính cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của tỉnh và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời, góp phần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, nhất là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể thế giới và Quốc gia như: Nhã nhạc cung đình Huế, Ca Huế, Tuồng - Múa hát Cung đình Huế.

Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế cũng đã và đang thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chiến lược phát triển chung của tỉnh; thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “Thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ”.

Ông Nguyễn Văn Mãi, Hiệu Trưởng Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế thông tin, hiện có trên 90% diễn viên, nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật của tỉnh, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật tại các trường THCS... là cựu học sinh, sinh viên của Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế. Trong đó, có nhiều người đã thành danh.  

Nhiều diễn viên, nghệ sỹ các đơn vị nghệ thuật các tỉnh lân cận như: Quảng Bình, Quảng Trị cũng là cựu học sinh, sinh viên của nhà trường. Diễn viên, nhạc công do trường đào tạo là lực lượng chủ đạo trong các chương trình lễ hội, góp phần tạo nên thành công của các kỳ Festival Huế và Festival nghề thủ công truyền thống Huế hàng năm.

Thực hiện đề án đưa Di sản Nghệ thuật Ca Huế vào trường học của UBND tỉnh, trường đã tổ chức các lớp tập huấn hát Ca Huế cho đội ngũ giáo viên âm nhạc các trường THCS trên địa bàn toàn tỉnh để triển khai các mô hình Câu lạc bộ Ca Huế trong các trường học; lồng ghép dạy hát Ca Huế vào các giờ dạy môn âm nhạc và các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ. Công tác nghiên cứu khoa học của trường từng bước hoàn thiện và phát triển...

Giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, gắn với Nghị quyết số 04 và Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, trường xác định, giữ gìn bản sắc con người Huế, truyền thống văn hóa Huế là chiến lược sống còn giúp Huế phát triển bền vững.

5 năm tới (2021 - 2025), trường tiếp tục duy trì đào tạo các ngành nghề hiện có. Ngoài duy trì các ngành đào tạo hệ trung cấp, trường tiếp tục hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền Đề án thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế trên cơ sở Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế; mở rộng thêm các ngành nghề nghiệp vụ văn hóa, âm nhạc dân tộc, âm nhạc Tây phương, sân khấu và múa; tập huấn, biểu diễn, truyền nghề; liên kết đào tạo đại học vừa học vừa làm…

Đạo tạo hướng đến mũi chọn

Làm việc và nói chuyện với Ban Giám hiệu, đội ngũ cán bộ, giảng viên, học sinh Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ biểu dương những thành tích, sự nỗ lực cố gắng của trường đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời chia sẻ, 45 năm hình thành và phát triển của trường là quãng thời gian dài khẳng định thương hiệu của trường; góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Lớp học múa truyền thống của Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế

Tỉnh phấn đấu phát triển nhanh nhưng bền vững trên nền tảng lấy du lịch là mũi nhọn, văn hóa là nền tảng; xứng tầm là một trung tâm văn hóa của cả nước và khu vực. Để đạt mục tiêu và hướng phát triển này, có sự đóng góp không nhỏ của Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế.

Muốn vậy, trường cần có sự tư duy trong phát triển để thay đổi từng ngày; không ngừng vươn lên để khẳng định thương hiệu chính bằng những sản phẩm cụ thể qua đào tạo, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật mang nét đặc trưng, riêng có của mình.

Trường cần xác định rõ mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội; lựa chọn những ngành nghề thế mạnh của tỉnh để đào tạo. Khẳng định thương hiệu của trường không phải chỉ là đào tạo đại trà, mà có sự lựa chọn. Dù không phải là đơn vị nghiên cứu, nhưng trường cần tập trung rà soát, nghiên cứu để bảo tồn các giá trị văn hóa đặc thù của tỉnh, nhất là văn hóa bản địa, văn hóa dân gian đang có nguy cơ ngày càng mai một dần.

Bên cạnh đó, trường tiếp tục tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo, các đơn vị, ban, ngành, địa phương để đưa dân ca, dân vũ đến gần hơn với các trường học trên địa bàn tỉnh; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giảng viên của trường; nâng cao chất lượng dạy và học; sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Bài, ảnh: Anh Phong