Trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét, nước nào cần  phải được hỗ trợ. Ảnh minh họa: VTV.vn

Xét về khu vực, sốt rét là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng dai dẳng tại Đông Nam Á. Tuy nhiên nhìn chung, khu vực vẫn ghi nhận nhiều thành quả và tiến bộ trong quá trình đối phó với căn bệnh.

Cụ thể, số ca sốt rét đã giảm 78% từ 23 triệu người mắc vào năm 2000 xuống còn khoảng 5 triệu người vào năm 2020. Tỷ lệ mắc bệnh cũng giảm 83%, từ khoảng 18/1.000 trường hợp vào năm 2000 xuống còn khoảng 3/1.000 trường hợp sau 20 năm.

Đông Nam Á là khu vực duy nhất của WHO đạt cột mốc Chiến lược kỹ thuật toàn cầu về sốt rét năm 2020 là giảm 40% tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sốt rét gây nên.

Thành công này trong khu vực thúc đẩy các nước nỗ lực hơn nữa nhằm chấm dứt bệnh sốt rét. Vào năm 2017, các bộ trưởng y tế từ tất cả các quốc gia thành viên của WHO khu vực Đông Nam Á đã cam kết triển khai hành động nhằm loại trừ bệnh sốt rét ở mỗi quốc gia, tiến đến xóa sổ sốt rét ở khu vực vào năm 2030 hoặc sớm hơn.

Không có sốt rét – Mục tiêu 3.3 của Mục tiêu Phát triển Bền vững, một cam kết được đưa ra trong các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc và Đại hội đồng Y tế Thế giới – sẽ là một thành công không chỉ với khu vực nói riêng mà còn cả với toàn thế giới nói chung.

Bất chấp những tiến bộ ổn định ghi nhận trong hai thập kỷ qua, tiến độ đã có phần chậm lại trong những năm gần đây, đặc biệt là trong kỷ nguyên của đại dịch COVID-19. Điều này được thể hiện rõ nhất khi so với năm 2019, trên toàn cầu có thêm khoảng 14 triệu trường hợp mắc và thêm 69.000 ca tử vong được báo cáo vào năm 2020. Khoảng 2/3 trong số trường hợp tử vong tăng thêm này (47.000 ca) có liên quan đến sự gián đoạn trong việc cung cấp các dịch vụ phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị sốt rét trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.

Rất may mắn là với khu vực Đông Nam Á, không có sự gia tăng quá rõ ràng về gánh nặng sốt rét vào năm 2020. Tuy nhiên, trong tương lai, xu hướng này có được đảm bảo hay không là điều không chắc chắn và sự đảo ngược có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu không có hành động kịp thời.

Hiện tại, ngoài sự gián đoạn gây nên bởi đại dịch COVID-19, sự không đồng nhất liên quan đến địa lý và nhóm rủi ro, khả năng kháng thuốc, kháng thuốc diệt côn trùng, thiếu các công cụ chẩn đoán, cũng như sự tham gia hạn chế của khu vực tư nhân và khả năng tiếp cận dịch vụ kém là những thách thức lớn khác ở Đông Nam Á.

Với sự đa dạng của các quốc gia trong khu vực, các giải pháp 1 quy mô là không phù hợp. Chính phủ các nước cần một lần nữa nhấn mạnh và tập trung hơn vào mục tiêu xóa sổ bệnh sốt rét giữa các bên có liên quan để duy trì kết quả đạt được, đẩy nhanh tiến độ ở các nước có tình hình bệnh sốt rét nghiêm trọng, đồng thời đổi mới để cải thiện và mở rộng dịch vụ thông qua việc chia sẻ bằng chứng về thực hành tốt hơn. Nước nào cần hỗ trợ, phải được hỗ trợ...

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Jakarta Post)