Đại tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Đại tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng của BĐBP tỉnh, nhằm xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân. Huy động sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu xây dựng được nhiều mô hình, phong trào, chương trình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Đó là phong trào “BĐBP tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”; thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; mô hình “Phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, “Đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, tổ dân phố”; mô hình “Giúp đỡ cụ già neo đơn”; “Hũ gạo tình thương”; “Tiết kiệm tiền lẻ, chia sẻ khó khăn”; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, giúp đỡ xã nghèo; tăng cường cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, kết nghĩa cụm dân cư, kết nghĩa lực lượng vũ trang hai tuyến biên giới... Đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các cơ quan, đơn vị tuyến sau, thực hiện các chương trình an sinh xã hội đối với Nhân dân khu vực biên giới, vùng biển, trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Hiệu quả từ các chương trình, mô hình mà BĐBP phối hợp chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân đã tạo những bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực biên giới. Tại A Lưới, nhiều hộ gia đình đã thành công trong trồng chuối, thanh long… hoặc nuôi dê, bò. Nhiều hộ thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng hiệu quả. Có thể thấy “dấu ấn” của lực lượng BĐBP trong tất cả những phong trào, những mô hình nêu trên và trong suốt quá trình người dân phát triển kinh tế cũng như đời sống tinh thần, thông qua việc cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn là những người kề vai sát cánh với địa phương, với từng hộ dân, tuyên truyền, thuyết phục, hướng dẫn, hỗ trợ, kết nối giúp về tài chính và trực tiếp giúp công. Điều đáng mừng nhất là chúng tôi đã góp phần quan trọng trong sự chuyển biến của bà con đồng bào dân tộc thiểu số về suy nghĩ, tư duy, để sau đó bắt đầu chủ động trong cách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Gặt lúa giúp người dân khu vực biên giới

Bộ Chỉ huy BĐPB tỉnh đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ tăng cường các xã mạnh dạn tham mưu cho địa phương khảo sát, đánh giá lại diện tích đất tự nhiên, đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng để bố trí, quy hoạch cho phù hợp; mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với địa phương; chuyển sang trồng các loại cây lâm nghiệp, chăn nuôi tập trung, mở rộng phát huy ngành nghề truyền thống, du lịch, dịch vụ để nâng cao nguồn thu nhập.

Một trong nhiệm vụ của BĐBP là tuyên truyền, vận động để người dân khu vực biên giới chấp hành các chủ trương, chính sách. Trước thực tế đồng bào dân tộc thiểu số có độ chênh lệch về trình độ; sự khác biệt về ngôn ngữ, BĐBP đã tiếp cận, “mở khóa” như thế nào để người dân nghe theo?

Muốn công tác tuyên truyền, vận động người dân đạt hiệu quả cao nhất, đương nhiên BĐBP phải gần gũi thấu hiểu tâm tư tình cảm, hiểu về phong tục tập quán, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để gần gũi, thấu hiểu người dân, chỉ có thể “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Mà như vậy, cần phải có sự “mở khóa” về sự khác biệt ngôn ngữ.

Sau hơn mười năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Đảng ủy BĐBP về việc học ngoại ngữ, học tiếng dân tộc và tiếng nước láng giềng đối với cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử 17 sĩ quan tham gia học tiếng Lào tại Học viện Biên phòng. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện A Lưới, tổ chức 8 lớp học tiếng dân tộc Tà Ôi, Pa Cô cho 203 lượt cán bộ BĐBP trong toàn tỉnh. Ngoài việc duy trì thường xuyên phong trào học ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tự trau dồi, nâng cao kỹ năng nghe, hiểu, nói các tiếng mẹ đẻ của đồng bào thông qua quá trình kề vai sát cánh với bà con.

Thực hiện tốt phương châm “4 cùng”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng nói địa phương chính là cách tiếp cận người dân tự nhiên, gần gũi nhất. Sự gần gũi, thấu hiểu đồng thời với sẻ chia, hỗ trợ về mọi mặt, đặc biệt có mặt kịp thời giúp dân phòng, chống thiên tai, gặt lúa chạy bão, cứu người, cứu tài sản cho dân trong bão lũ…, chính là “chìa khóa” mở ra sự tin mến trong lòng dân đối với BĐBP.

Đã mở lòng, đã tin, thì người dân nghe theo khi BĐBP tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, chính sách, chấp hành pháp luật. Đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân khu vực biên giới đã nghe theo tuyên truyền, vận động, chấp hành tốt và chung tay cùng lực lượng biên phòng phòng, chống dịch hiệu quả. Điển hình là người dân đã cho mượn đất để lực lượng biên phòng xây dựng chốt chống dịch kiên cố dọc theo dải đất biên giới.

Có thể nói về cách để BĐBP xây dựng sức mạnh đoàn kết quân - dân, thưa Đại tá?

Xây dựng sức mạnh đoàn kết quân - dân là nền tảng để bảo vệ vững chắc biên giới. Như tôi đã nói ở trên, chính những việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng nói địa phương, chính sự thấu hiểu, sẻ chia, hỗ trợ, kề vai sát cánh giúp người dân phát triển kinh tế, bảo vệ cuộc sống của người dân nơi khu vực biên giới được yên bình, bảo vệ biên giới vững chắc, đã tạo nên sự gắn kết giữa BĐBP và người dân, xây dựng sức mạnh đoàn kết quân - dân. Người dân trở thành điểm tựa, là mạng lưới cơ sở đáng tin cậy của BĐBP; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Mỗi năm, hàng trăm nguồn tin, trong đó rất nhiều tin báo, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cũng từ tin báo của Nhân dân, nhiều tàu hoạt động giã cào sai tuyến, xâm phạm tài nguyên biển, gây thiệt hại ngư lưới cụ, gây bức xúc trong ngư dân, đã bị lực lượng biên phòng bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều tội phạm ma túy và các tội phạm nguy hiểm khác bị bắt giữ, ngăn chặn. Trật tự an toàn xã hội, an ninh trên hai tuyến biên giới được củng cố, giữ gìn.

Người dân cùng chung tay với lực lượng biên phòng bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư trên địa bàn biên giới.

Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi này!

QUỲNH ANH (Thực hiện)