Người dân tìm giống cá dìa trên phá Tam Giang để dưỡng nuôi theo mô hình thương phẩm

Cá dìa là đối tượng đặc hữu có giá trị kinh tế cao của vùng đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian qua, cá dìa được người dân đưa vào nuôi xen ghép với tôm sú, cua trong ao đất là chủ yếu, mật độ ghép cá dìa từ 0,2-0,5 con/m2. Do đó, sản lượng cá dìa thương phẩm chưa cao, vẫn còn ở mức độ nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng nuôi chuyên, nuôi tập trung tạo ra sản phẩm an toàn theo hướng hàng hóa đặc trưng và chủ lực trên vùng nuôi đầm phá.

Đề tài được triển khai nhằm phát triển nuôi cá dìa thương phẩm, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, xây dựng chuỗi liên kết để cung cấp nguồn giống cá, thức ăn ổn định cho người nuôi cũng như đảm bảo đầu ra ổn định, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá dìa nuôi.

Nhóm đề tài sẽ thực hiện các bước công việc của dự án, gồm: tổ chức hội nghị triển khai thực hiện, điều tra khảo sát và lựa chọn hộ thực hiện dự án; tiếp nhận quy trình công nghệ; xây dựng mô hình nuôi cá dìa thương phẩm; tạo lập, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể "cá dìa Tam Giang" cho sản phẩm cá dìa của tỉnh; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị cho sản phẩm "cá dìa Tam Giang"; quảng bá, giới thiệu, kết nối và tiêu thụ sản phẩm...

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG