Hội nghị được tổ chức tại Bình Định, là dịp quan trọng để nâng hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới và gây dựng mối quan hệ hợp tác vững chắc hơn nữa.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; lãnh đạo 10 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Phía Hàn Quốc có ông Park Noh-wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam. Đoàn Thừa Thiên Huế do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương dẫn đầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (thứ 4 từ trái sang) phát biểu tại hội nghị
Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam
Thông tin tại hội nghị cho thấy, năm 2021, Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 9.265 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 78,6 tỷ USD. Hàn Quốc còn là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ 2 và đối tác thương mại đứng thứ 3, với tổng kim ngạch song phương đạt trên 78 tỷ USD, gấp hơn 150 lần so với thời điểm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.
Tính đến nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt trên 59 địa phương của Việt Nam với gần 80 văn bản hợp tác cấp địa phương giữa 2 nước trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, lao động đã được ký kết.
Ở Thừa Thiên Huế, tỉnh đã tiếp nhận và triển khai hiệu quả 6 dự án sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc với tổng số tiền khoảng 55 triệu USD để đầu tư phát triển hạ tầng y tế, quy hoạch đô thị, phát triển du lịch và văn hóa. Đặc biệt, đầu năm 2021, Thừa Thiên Huế và KOICA đã ký kết Biên bản trao đổi về Dự án "Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh" với nguồn vốn ODA không hoàn lại 13 triệu USD, vốn đối ứng 1,8 triệu USD, triển khai trong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phát triển du lịch TP. Huế và xây dựng hệ thống thông tin du lịch thông minh và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Gần đây, tỉnh đã ký Biên bản trao đổi với KOICA về Dự án “Làng hòa bình Việt Nam – Hàn Quốc” với nguồn vốn ODA không hoàn lại 3,2 triệu USD và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Trong lĩnh vực FDI, tỉnh có 15 dự án FDI đến từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 55,58 triệu USD tập trung trong các lĩnh vực về dịch vụ, may mặc, hạ tầng các khu công nghiệp. Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển đô thị thông minh với Tập đoàn Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc để đầu tư và thực hiện các nghiên cứu về phát triển đô thị và khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô và các công trình đô thị khác…
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan chia sẻ ý nghĩa của năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước với nhiều sự kiện được tổ chức đa dạng về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và cùng trao đổi về phương hướng phát triển mới cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời tin tưởng việc đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc vốn chững lại trong thời gian qua sẽ nhanh chóng được nối lại, hoạt động giao lưu nhân dân được tăng cường.
Đường đi bộ dọc sông Hương do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ
Tạo điều kiện cho các đối tác Hàn Quốc
Những năm qua, quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các đối tác Hàn Quốc đã được triển khai đồng bộ, phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực một cách thực chất, hiệu quả và có chiều sâu; tỉnh đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ đến từ Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc trong phát triển kinh tế xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã thông tin tại hội nghị về hợp tác cấp địa phương. Theo đó, một số cơ quan trên địa bàn tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác/kết nghĩa với các địa phương Hàn Quốc, như TP. Huế với TP. Gyeongju; Huyện Phong Điền với huyện Uljin, tỉnh Gyeongsangbuk;... Các hoạt động hợp tác được triển khai mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng của nhân dân hai bên, hỗ trợ quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế đến bạn bè quốc tế, góp phần hiểu biết lẫn nhau và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng giới thiệu những tiềm năng về hợp tác đầu tư, phát triển, có nhiều lợi thế so sánh, đặc biệt là vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, tính liên kết vùng chặt chẽ. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Thừa Thiên Huế luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, các đối tác Hàn Quốc đến hợp tác và đầu tư vào tỉnh và luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án tại địa phương.
Với vị trí dẫn đầu toàn quốc chỉ số PAPI năm 2021 và thứ 8 toàn quốc trong bảng xếp hạng PCI năm 2021 vừa mới công bố, chính quyền tỉnh luôn nỗ lực và cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về thủ tục hành chính nhanh gọn, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; áp dụng các chính sách ưu đãi theo hướng cao nhất của khung pháp luật cho phép và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh dành cho các nhà đầu tư.
“Chúng tôi mong muốn lắng nghe những chia sẻ về cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh vào khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng để có thể cùng nhau đối thoại, trao đổi nhằm hướng đến việc xây dựng thành công các mô hình hợp tác, đầu tư hiệu quả. Đồng thời mong rằng, sau Hội nghị này, cùng với Thừa Thiên Huế, các địa phương khác trong khu vực sẽ đón nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến khảo sát, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác, cùng nhau xây dựng một vùng đất không chỉ mang chiều sâu văn hóa lịch sử của Việt Nam mà còn văn minh hiện đại, hướng đến chất lượng cuộc sống tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh tại Hội nghị.
Bài, ảnh: Thọ Hiếu