Qua đó tham mưu tuyển dụng nhằm bảo đảm dạy học theo quy định của chương trình.

Học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) thực hành bài đo độ dài.

Tăng cường tập huấn

Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê - TP Đà Nẵng) cử 100% giáo viên tham gia tập huấn từ ban đầu. Cô Lê Thị Hoàng Chinh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Có thể những năm đầu, giáo viên chưa đứng lớp dạy Chương trình GDPT 2018 nhưng phải nắm chủ trương, mục tiêu cũng như tổng thể của chương trình, phương pháp dạy học. Vì vậy, trong sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn của Trường THCS Chu Văn An, tất cả giáo viên đều có thể tham gia thảo luận theo hướng nghiên cứu bài học.

Với phương châm những phương pháp, các hoạt động dạy - học nào có thể áp dụng được ở các khối lớp 7 - 8 - 9 theo cách thức Chương trình - SGK lớp 6 vẫn tiến hành. Vì vậy, giáo viên Trường THCS Chu Văn An chỉ phải tiếp cận SGK mới chứ không gặp bỡ ngỡ ở các khối lớp còn lại.

Đây cũng là cách mà các trường THCS ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) triển khai bồi dưỡng giáo viên cho Chương trình GDPT 2018. Với đặc thù các trường miền núi, giáo viên bộ môn ở cấp THCS ít, giáo viên phân công giảng dạy lớp 6 cũng đồng thời đứng lớp ở các khối lớp khác. Chính vì vậy, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường cần làm kỹ công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng ở năm đầu tiên để tạo đà cho những năm sau.

Ông Bùi Thế Giới – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây - cho hay: “Phòng GD&ĐT chủ trương đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường để hỗ trợ cho quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên. Mạng lưới giáo viên cốt cán được phát huy tối đa theo tinh thần “người giỏi dìu người chưa vững”, giải đáp, hỗ trợ trên từng bài học hoặc tình huống dạy học cụ thể”.

Giáo viên Quảng Ngãi tham gia tập huấn trực tiếp Chương trình – SGK mới.

Giải bài toán giáo viên các môn mới

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) - thông tin: “Vướng mắc lớn nhất là với môn Khoa học Tự nhiên ở lớp 7 dạy theo chủ đề nên phân theo thời khóa biểu sẽ khó khăn hơn chứ không dạy song song như cách mà đa số các trường THCS đã triển khai ở lớp 6. Như vậy, với môn Khoa học Tự nhiên, không thể bố trí cùng một lúc 3 giáo viên dạy các phân môn Hóa học, Sinh học và Vật lý, mà chỉ có thể sắp xếp theo từng chủ đề”.

Theo bà Trần Thị Thúy Hà, hiện đội ngũ giáo viên ở các trường THCS chủ yếu là giáo viên dạy đơn môn, do vậy bảo đảm tính liên kết giữa các chủ đề của môn Khoa học Tự nhiên là rất khó. Để làm được điều này, đòi hỏi cả 3 giáo viên đảm nhận môn Khoa học Tự nhiên phải nghiên cứu sâu không chỉ chủ đề thuộc phân môn của mình, mà còn ở những phân môn khác, cùng bàn bạc, thảo luận để có thể bảo đảm sự liên thông theo đúng tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018. “Muốn làm được điều này, ngoài sự chủ động nghiên cứu, giáo viên phải được bồi dưỡng kỹ và sâu” – bà Hà khẳng định.

Khó khăn nhất với địa phương vẫn là bài toán về đội ngũ đối với giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở khối lớp 10, Chương trình GDPT 2018. Chia sẻ thông tin trên, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi - bộc bạch: “Quảng Ngãi có 3 trường liên cấp THCS – THPT. Đối với những trường này, có thể tổ chức cho học sinh tự chọn môn Âm nhạc và Mỹ thuật dựa trên đội ngũ giáo viên có sẵn ở cấp THCS. Đối với các trường THPT còn lại, trong năm học đầu tiên triển khai Chương trình – sách giáo khoa mới với khối 10, rất khó để có thể tổ chức cho học sinh đăng ký 2 môn này trong tổ hợp môn tự chọn”.

Phương án sử dụng chung giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật của các trường THCS, theo ông Nguyễn Ngọc Thái, khó khả thi. “Hầu hết trường THCS chỉ có 1 giáo viên cho các môn này. Số lượng tiết dạy phải bảo đảm đủ định mức nên khó kiêm nhiệm thêm giờ dạy ở cấp THPT. Hơn nữa, giáo viên THCS thuộc biên chế của các huyện, thành phố, thị xã quản lý, Sở GD&ĐT rất khó để điều động. Nếu có biên chế giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật để tuyển dụng thì nguồn tuyển không nhiều do chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo (trình độ đại học)” – ông Thái phân tích.

Theo giaoducthoidai.vn