Phó Chủ tịch UBND Quảng Ngãi - Trần Phước Hiền tham quan Trung tâm phục vụ hành chính công Thừa Thiên Huế
Là người dân của quê nhà, tôi không thể không vui mừng trước những thành tựu đó!
Chuyện phòng chống thiên tai xuất hiện hầu như hàng năm nên mọi người đã chứng kiến và việc quốc gia công nhận để thêm tin vào năng lực vận hành của cả bộ máy.
Còn về PAPI (The Viet Nam Provincial Governance and Public Administration Performance Index) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009, vì nó có nhiều nội dung, nếu không tìm hiểu thì khó hình dung về nó.
Theo đó, để có được điểm số PAPI, cơ quan khảo sát phải thu thập dữ liệu qua 8 chỉ số nội dung: 1. Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; 2. Công khai, minh bạch; 3. Trách nhiệm giải trình với người dân; 4. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; 5. Thủ tục hành chính công; 6. Cung ứng dịch vụ công; 7. Quản trị môi trường và 8. Quản trị điện tử rồi mới công bố điểm số cuối cùng.
Với 15.833 người dân được hỏi ý kiến (đông nhất, kể từ 2009), thông qua các chỉ số khảo sát này, người dân đã thể hiện sự cảm nhận của mình về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền các địa phương, nó “có ý nghĩa quan trọng, phản ánh tác động của đại dịch COVID-19 tới hiệu quả quản trị công, có sự tham gia của người dân. Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai”- như nhận định của bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam tại buổi công bố.
Nhờ cả 8 chỉ số nội dung đều nằm trong nhóm cao nhất nên lần đầu tiên Thừa Thiên Huế đứng đầu cả nước khi đạt 48,059 điểm; trong đó nổi bật là Chỉ số cung cấp dịch vụ công, một chỉ số thể hiện việc chia sẻ trải nghiệm của người dân về mức độ thuận tiện khi sử dụng cung ứng dịch vụ công, chất lượng và mức độ sẵn có từ chính quyền cấp xã đến cấp tỉnh.
Do vậy mà tôi không ngạc nhiên khi biết, ngày 12/5, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã cử đoàn cán bộ ra Huế để tìm hiểu cụ thể về việc triển khai xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tìm hiểu các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn Thừa Thiên Huế, giải pháp thực hiện ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân...
Cần phải khẳng định, đây là thành tựu của cả quá trình.
Còn nhớ, năm 2018, Thừa Thiên Huế đã lọt vào TOP 10, khi được xếp vị trí thứ 5 nhưng chỉ một năm sau - 2019 đã tụt xuống vị trí 20 và năm 2020 bị đánh bật khỏi TOP 10, khi chỉ xếp ở vị trí 17.
Để tăng 9 bậc và vươn lên vị trí dẫn đầu trong năm 2021, thực tiễn cho thấy, sau khi tiến hành bầu cử HĐND các cấp, bộ máy chính quyền đã được củng cố.
Dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, bộ máy ấy đã biết kế thừa để làm tốt vai trò vừa tham gia chống dịch COVID-19 vừa khôi phục, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Kết thúc năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử, thu ngân sách của Thừa Thiên Huế vượt qua ngưỡng 10.000 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu vượt mốc giá trị trên 1 tỷ USD!
Thành phố Huế sau khi được mở rộng, người dân mừng vui khi nhiều công trình phúc lợi công cộng được xây dựng, đẹp nhất là đôi bờ sông Hương sau chỉnh trang đã có thêm nhiều cây xanh, tuyến đi dạo và điểm ngắm; người dân ở Khu vực I Kinh thành Huế đã an cư về nơi ở mới nên người dân không thể không “hài lòng” với chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Đứng đầu về chỉ số PAPI là vinh dự nhưng cũng là áp lực của bộ máy chính quyền Thừa Thiên Huế.
- Áp lực, như ý kiến của Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương là vì địa phương nào cũng có động lực cạnh tranh lành mạnh để đạt chỉ số PAPI cao hơn.
Do vậy, nhiệm vụ của chính quyền các cấp trong tỉnh là luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, qua đó chỉ đạo, điều hành nhằm đáp ứng của nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; để làm được điều này, bộ máy chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, áp dụng chính quyền số, đô thị thông minh và triển khai hiệu quả các chương trình kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Trước mắt là tìm giải pháp nhằm cải thiện những điểm còn yếu kém trong PAPI 2021 của tỉnh, trong đó có chỉ số về nội dung “Tham gia của người dân ở cơ sở”. Chỉ số này có cải thiện, người dân mới được tạo điều kiện tham gia vào các quy trình quản trị và hành chính công của chính quyền địa phương.
PAPI và nhiều thành tựu kinh tế-xã hội khác đã đang hiện diện; nếu biết gìn giữ và phát huy, nó sẽ góp phần thúc đẩy Thừa Thiên Huế phát triển mà mục tiêu trước mắt là năm 2025, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế.
Phạm Hữu Thu