Buổi giao lưu ý nghĩa

Những hoạt động ý nghĩa

Những dãy bàn ghế ngay ngắn vẫn còn trống, nhưng hội trường UBND xã Vinh Thanh (Phú Vang) đã tràn ngập không khí rộn ràng. Không hẳn bởi những bài hát hùng tráng ca ngợi quê hương đất nước, mà bởi lực lượng đoàn viên, thanh niên Huyện đoàn Phú Vang, đặc biệt là những cựu chiến binh, hội viên quân tình nguyện, Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt - Lào tỉnh, đang chờ đón lưu học sinh, sinh viên Lào học tập tại Thừa Thiên Huế, đến dự buổi giao lưu do Huyện ủy Phú Vang trân trọng tổ chức. Họ là những cựu chiến binh từng thực hiện nhiệm vụ quốc tế - có những năm tháng khó quên trên đất nước Lào, được Nhân dân Lào tin cậy, yêu thương, giúp đỡ.

Nhiều năm qua, nhiều lưu học sinh, sinh viên Lào được các gia đình hội viên ban liên lạc nhận làm con nuôi, bảo trợ, giúp đỡ, làm chỗ dựa tinh thần, với mong muốn thông qua nhiều hoạt động, truyền lửa, giáo dục thế hệ trẻ hai nước và thế hệ mai sau tiếp tục giữ vững, phát huy “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

"Thông qua buổi giao lưu, các em được hiểu thêm tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, văn hóa, tình cảm, con người quê hương Phú Vang, đồng thời gắn kết tuổi trẻ lưu học sinh, sinh viên Lào với tuổi trẻ Phú Vang, cùng nhau thực hiện những việc làm thiết thực, ý nghĩa” - Cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Đức Thuận, Phó Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt - Lào tỉnh bày tỏ.

Theo Bí thư Xã đoàn Vinh Thanh: Xã đoàn đang chuẩn bị kế hoạch trình Đảng ủy xã Vinh Thanh nội dung, cùng lưu học sinh, sinh viên Lào thực hiện mô hình xuồng đựng rác dọc bãi biển Vinh Thanh, bảo vệ và làm đẹp cảnh quan môi trường biển, thắt chặt tình cảm ngày càng khăng khít, gắn bó giữa tuổi trẻ địa phương và các bạn trẻ Lào. 

Trong cái nắm tay thật chặt, nụ cười rạng ngời, anh Pathoumma Bounnao, Trưởng Ban đại diện lưu học sinh, sinh viên Lào xúc động bộc bạch: Đến Thừa Thiên Huế học tập, dù xa quê hương, xa gia đình, người thân, nhưng các bạn lưu học sinh, sinh viên Lào luôn cảm thấy gần gũi, bởi tình cảm thân thiện, sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, bạn bè và người dân địa phương. Đặc biệt, tình cảm mộc mạc, ấm áp của những gia đình cha mẹ nuôi - hội viên Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt - Lào, mang đến cho các bạn cảm giác được trở về nhà.

Tình cảm bền chặt

Qua điện thoại, Thiếu tá Trương Quang Long đón nhận nhiều cuộc chuyện trò đong đầy tình cảm của 4 người con nuôi. Trong đó, 3 người từng học tại Trường đại học Y - Dược Huế, đã lấy bằng bác sĩ, thạc sĩ, trở về nước, phục vụ, xây dựng quê hương. Những câu hỏi thăm, trao đổi giản dị về chuyện học, chuyện ăn trao đi, đổi về, thân thuộc như lời dặn dò các con của những ông bố, bà mẹ.

Người cựu chiến binh từng có 7 năm tuổi trẻ thực hiện nhiệm vụ trên nước bạn Lào nói: “Bây giờ các cháu và chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, hỏi thăm động viên, khích lệ nhau. Vợ tôi cũng từng là người lính, là cựu chiến binh. Tình cảm của những người lính bao giờ cũng mộc mạc mà sâu đậm trách nhiệm, nghĩa tình. Những tin nhắn “Con nhớ ba mẹ lắm”..., là động lực để chúng tôi tiếp tục nhận bảo trợ, đỡ đầu, khi các cháu “chân ướt chân ráo” đến, còn nhiều bỡ ngỡ. Các cháu nhớ gia đình, ba mẹ nuôi, nhớ thầy cô, bạn bè, trường học, có nghĩa chúng ta đã xây dựng được tình cảm vững bền, để các thế hệ trẻ nước bạn Lào yêu quý Huế, yêu quý đất nước Việt Nam giàu tình nghĩa”.

Cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Đức Thuận cho biết: Từ  2016 đến nay, hàng năm có khoảng 500 lưu học sinh, sinh viên Lào, luân phiên học tập tại các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn TP. Huế.

Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh giao Ban liên lạc Quân tình nguyện, thực hiện việc bảo trợ, giúp đỡ lưu học sinh Lào, để tiếp tục tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt – Lào.

Bằng tình cảm và trách nhiệm, hàng năm, ban liên lạc phối hợp chặt chẽ với các trường cao đẳng, đại học, cùng Ban đại diện lưu học sinh tổ chức gặp gỡ, giao lưu văn nghệ với học sinh, sinh viên trong dịp tết cổ truyền Bun Pi May (15/4); Quốc khánh Lào (2/12) và Tết Cổ truyền của Việt Nam; Tổ chức đón học sinh Lào về nhà, sinh sống cùng gia đình vào các ngày nghỉ học hoặc cuối tuần, các dịp lễ, tết Việt Nam, coi như con em trong gia đình quân tình nguyện, tạo điều kiện cho học sinh Lào học tốt tiếng Việt, hiểu sâu sắc phong tục, tập quán, ẩm thực, tình cảm người Việt. Đó là “chìa khóa” giúp các em tiếp thu tốt kiến thức trên giảng đường.

Nhiều lưu học sinh Lào được các hội viên quân tình nguyện bảo trợ, giúp đỡ, khi trở về nước được chọn vào làm việc trong Chính phủ, các bộ, ban, ngành, là các chuyên gia giỏi về kinh tế, y tế, giáo dục của trung ương và các địa phương của Lào.

“Những hoạt động, việc làm ý nghĩa và có hiệu quả trên thể hiện tình cảm tốt đẹp, chung thủy giữa hai dân tộc; qua đó tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ học sinh, sinh viên của Lào, ghi dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh quân tình nguyện, con người, dân tộc Việt Nam; thể hiện, thắt chặt mối quan hệ thủy chung, chân tình, cởi mở, góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt – Lào ngày càng thủy chung và bền chặt” - Cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Đức Thuận bày tỏ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh