Siết tín dụng bất động sản là động thái chung của nhiều ngân hàng

"Sốt" đất kéo theo “sốt” tín dụng

Trong 3 năm gần đây, hầu hết các khu đất đưa ra đấu giá tại các địa phương đều thành công và giá tăng từ 1,5 lần so với giá khởi điểm. Một số địa phương có kết quả đấu giá tăng gấp 2-3 lần giá khởi điểm. “Sốt" đất không chỉ khu hẹp trong phạm vi đất quy hoạch mà những khu đất ở trong khu dân cư cũng tăng không kém. Hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh được rao bán, giao dịch ngoài thị trường đều tăng, có những nơi tăng từ 30-50% chỉ trong thời gian ngắn.

Theo dự báo của ngành xây dựng, khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường BĐS cũng như nền kinh tế sẽ ổn định và phục hồi. Lúc này, các dự án (DA) chậm tiến độ, DA treo bắt đầu hoạt động trở lại, giá đất nền trên địa bàn có thể sẽ tăng thêm khoảng 20-30% đến năm 2024. Đây được xem là cơ hội cho các nhà đầu tư lớn có tầm nhìn dài hạn đầu tư và phát triển quỹ đất sở hữu. Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện đầu tư này phần lớn đều từ các tổ chức tín dụng, đây là một rủi ro không hề nhỏ.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế, từ cuối năm 2019 đến nay, tín dụng BĐS tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng tăng trưởng, đỉnh điểm tăng trưởng tín dụng BĐS trong quý 2/2021 tăng 7,3% so cuối quý trước đó. Riêng quý I năm 2022, tín dụng BĐS đã đạt 15.815 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,7% tổng dư nợ, tăng 6,15% so với đầu năm. Trong đó, cho vay đầu tư kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng gần 52% lĩnh vực BĐS và chiếm tỷ trọng 12,3% tổng dư nợ, tăng 8,3% so với đầu năm; 48% dư nợ còn lại lĩnh vực BĐS là phục vụ mục đích tiêu dùng (xây dựng, cải tạo, sửa chữa để ở…).

Theo ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tín dụng BĐS của các ngân hàng trên địa bàn chủ yếu tập trung vào đầu tư nhà ở, quyền sử dụng đất bao gồm phân khúc thị trường giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân chiếm tỷ trọng 91,6%. Riêng về DA BĐS, phân khúc cao cấp như nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chủ yếu là các khoản vay mở rộng đầu tư kinh doanh, phục vụ phát triển dịch vụ du lịch chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ 8,4% trong tổng dư nợ tín dụng BĐS .

Siết tín dụng “đầu cơ”?

Thực tế, cho vay BĐS vẫn là một trong những khoản cho vay đem lại lợi nhuận cao của các ngân hàng. Tuy nhiên, lợi nhuận cao thường đi kèm với rủi ro cao khi thị trường BĐS thời gian qua đang bộc lộ nhiều yếu tố không mấy tích cực. Nhiều tổ chức, cá nhân sau khi đấu giá thành công đã bỏ cọc và nhiều chiêu thức nhằm nâng giá BĐS. Tỷ lệ đầu cơ cao, giá tăng liên tục nhưng tính thanh khoản thấp là những biểu hiện khiến nhiều ngân hàng phải tạm thời hạn chế cho vay BĐS để đánh giá lại các khoản vay, độ rủi ro và hướng xử lý các khoản nợ, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Việc siết tín dụng BĐS được các tổ chức tín dụng đẩy mạnh ngay từ đầu năm, khi nhiều ngân hàng lần lượt có những chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch hạn chế cho vay trong lĩnh vực tiềm ẩn khá nhiều rủi ro này. Trong đó, Sacombank yêu cầu các chi nhánh, điểm giao dịch trong hệ thống về kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022, cụ thể không cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS; ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua, xây, sửa bao gồm phân khúc thị trường giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân để ở. Ngân hàng này yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động hay cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Trước đó, Techcombank đã tạm ngừng giải ngân các khoản vay mua BĐS kéo dài đến đầu quý II/2022. Một số ngân hàng khác vẫn duy trì giải ngân nhưng khá thận trọng.

Ông Phạm Bá Nam nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát liên quan lĩnh vực đầu tư tín dụng lĩnh vực BĐS, nhận diện các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro đã được cảnh báo, thường xuyên phân tích diễn biến số liệu để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra kịp thời. Đồng thời, cân nhắc kết hợp nhuần nhuyễn nhiều biện pháp quản lý để định hướng dòng vốn tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh...

Bài, ảnh: Hoàng Loan