Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập, năm 1950. Ảnh: Tư liệu BTHCM
Học thuyết vô giá của tư tưởng Hồ Chí Minh
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại”.
Lần đầu tiên, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 9 (năm 1991) đã đưa ra định nghĩa cơ bản và định hướng nghiên cứu, thực hiện. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Như vậy, thời điểm cách đây hơn 30 năm Đảng ta chính thức xác định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13, tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng”.
Cùng với các học thuyết khoa học, cách mạng, chúng ta thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là học tập những ý tưởng, lời chỉ giáo trong các tác phẩm, bài viết, lời dạy của Bác Hồ, mà phải biết nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Nhớ lại thời điểm năm 1944, khi lực lượng cách mạng của ta đang rất thiếu và hết sức non trẻ, Bác đã dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập dân tộc”. Bác đã nhận rõ và tiên đoán về tình hình sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 và được xem là thời cơ giành tự do, độc lập chín muồi cho Việt Nam. Thực sự đã được chứng minh bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám và tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945 của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong chỉnh đốn Đảng, Bác Hồ có rất nhiều bài viết, lời căn dặn về đạo đức của người cán bộ, đảng viên, trong đó, Bác xác định “tham ô, ăn cắp của dân” là một loại “giặc”. Đến nay, Đảng ta xác định đó là “giặc nội xâm”, là loại “sâu mọt” phải bị loại bỏ, diệt trừ…
Từ một vài ví dụ trên để thấy rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh trên từng vấn đề là nội dung định hướng vô giá, là ngọn cờ dẫn dắt đường lối của Đảng ta. Chúng ta học tập tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là làm theo mà phải biết liên hệ, vận dụng sáng tạo và phát triển cao hơn trong điều kiện phù hợp.
Giáo dục, nâng cao nhận thức, phản bác những luận điệu sai trái
Không thể phủ nhận giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, song các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá. Đối tượng chống đối trong và ngoài nước tận dụng mọi phương tiện để xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng đó là hệ tư tưởng được du nhập ngoại lai, sao chép máy móc chủ nghĩa Mác-Lênin, không phù hợp với thực tế Việt Nam. So sánh với hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ thì Việt Nam cần từ bỏ “hệ tư tưởng cũ” để đi theo “con đường chung mà thế giới đang đi” (ám chỉ con đường phát triển tư bản). Chúng tìm mọi hình thức xuyên tạc đạo đức trong sáng và tư tưởng cách mạng nhằm “hạ bệ thần tượng”, phủ nhận công lao, kích bác tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) đã chỉ ra những “Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị” của cán bộ, đảng viên, trong đó có những nhận thức lệch lạc, hoài nghi, thiếu tin tưởng về tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng. Những người đứng trong đội ngũ, mang danh là đảng viên nhưng lại mơ hồ về đường lối của Đảng sẽ là nguồn “lây nhiễm” trong xã hội có thể dẫn đến cực đoan phủ nhận, chống lại Đảng. Tuy không phải số đông, nhưng chúng đã gây những tác động không nhỏ đến đời sống chính trị trong xã hội. Do đó, những tư tưởng của Bác đã được Đảng ta vận dụng và phát triển sáng tạo, không cho phép người đảng viên suy diễn sai lệch, ngả nghiêng, dao động.
Nhận thức lệch lạc về tư tưởng Hồ Chí Minh có thể do chưa hiểu thấu đáo, sự xuyên tạc nội dung cốt lõi của thế lực phản động. Mặt khác, do không hiểu bản chất đổ vỡ của các nước xã hội chủ nghĩa dẫn tới một số người hoang mang, dao động về tư tưởng, đòi thay đổi thể chế chính trị. Cho nên, yêu cầu nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu cần thiết trước mắt và lâu dài. Phải giáo dục, tuyên truyền trên cơ sở lý luận, thực tiễn gắn với những thắng lợi, thành tựu của cách mạng Việt Nam. Những thắng lợi và phát triển trong cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhất là từ sau đổi mới đến nay là cơ sở thuyết phục cho giáo dục, tuyên truyền.
Cần làm cho mỗi người hiểu được giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo của Đảng về nội dung cơ bản, phù hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam. Nội dung đó đồng thời là mục tiêu của độc lập, tự chủ, đổi mới và sáng tạo của dân tộc. Những thế lực chống phá đất nước, chống Đảng thông qua tấn công nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh chính là đang chống lại đường lối của Đảng về định hướng phát triển đất nước.
NGUYỄN AN HÒA