TS. Phan Thanh Hải

Tiếp tục “nâng chất” các hoạt động dịch vụ, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay, Trung tâm đang thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các điểm tham quan thuộc quần thể di tích Huế”. Qua đó, sẽ mở rộng một loạt hoạt động dịch vụ mới tại cung Trường Sanh, vườn Cơ Hạ, khu Lục Bộ, Thượng Thành; nghiên cứu thêm một số hoạt động khác để bổ sung và làm phong phú thêm các hoạt động dịch vụ, như: trà cung đình, trình diễn và kinh doanh một số sản phẩm thủ công truyền thống gắn liền với đời sống cung đình… Đặc biệt là quy hoạch, khai thác khu vực Phủ Nội Vụ - Duyệt Thị Đường - vườn Cơ Hạ để khai thác không gian Đại Nội về đêm. Tuy nhiên, việc này cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự đầu tư lớn nên vẫn trong quá trình nghiên cứu và trao đổi với các nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư và thăm dò dư luận xã hội.

Ông có thấy rằng du khách đến tham quan quần thể di tích Cố đô Huế ít có sự lựa chọn khi các hoạt động dịch vụ bên ngoài các điểm di tích còn quá ít và thiếu sự kết nối với các hoạt động dịch vụ bên trong?

Chúng tôi cũng đã tính đến việc khai thác các tuyến điểm bên ngoài Đại Nội ngay trong Đề án Quy hoạch và phát triển hệ thống dịch vụ (UBND tỉnh đã phê duyệt năm 2012). Tuy nhiên, để mở rộng và phát triển các hoạt động dịch vụ này lại không chỉ có vai trò của đơn vị quản lý di tích, mà đòi hỏi có sự tham gia phối hợp của nhiều ban ngành và chính quyền địa phương, vì liên quan trực tiếp đến vấn đề an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị… và nhất là phải có nguồn lực đầu tư. Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các ban ngành liên quan để nghiên cứu vấn đề này.

Từng có nhiều ý kiến hiến kế về việc tổ chức mở rộng các dịch vụ liên quan đến khu di sản Huế, trong đó có việc khai thác hồ Tịnh Tâm, mở dịch vụ liên thông Đại Nội với các tuyến đường tiếp giáp ở nội thành… Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Đối với hồ Tịnh Tâm, trước mắt chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện cảnh quan môi trường, vớt bèo và cỏ dại, trồng sen, tổ chức điểm dịch vụ phù hợp hơn trên đảo Bồng Lai và Phương Trượng. Về lâu dài, khu vực này cần có nguồn lực lớn để trùng tu phục hồi một số công trình di tích quan trọng, nạo vét tổng thể lòng hồ, phục hồi hệ thống bờ kè, hệ thống cây xanh, nối thông ra Ngự Hà, và đặc biệt là phải ngăn chặn tình trạng xả thải trực tiếp xuống lòng hồ.

Đối với khu vực phía nam Đại Nội, chúng tôi sẽ tổ chức tuyến du lịch Thượng thành và bố trí thêm 1 số điểm khai thác dịch vụ phù hợp. Tuy nhiên, ở phía ngoài khu vực Hộ Thành Hào và kết nối từ đó vào bên trong Thành Nội, nhất là đoạn từ cửa Thể Nhơn đến cửa Nhà Đồ và từ cửa Thể Nhơn đến cửa Thượng Tứ, phải cân nhắc kỹ hình thức dịch vụ để đảm bảo an ninh, trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Mặc dù doanh thu từ các hoạt động dịch vụ ngày càng cao nhưng nguồn thu này vẫn chưa xứng tầm?

Đúng là cho đến nay, hoạt động dịch vụ và doanh thu từ dịch vụ du lịch trực tiếp tại khu di sản Huế vẫn còn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có. Vì vậy, đầu năm 2014, chúng tôi đã thành lập Trung tâm Phát triển Dịch vụ để triển khai một đề án về quy hoạch và phát triển tổng thể các hoạt động dịch vụ trong khu di tích Huế.

Ngay sau khi ra đời, đơn vị này đã có nhiều hoạt động tích cực như liên kết để tổ chức hoạt động và quảng bá không gian văn hóa Bát Tràng trong lòng cố đô tại Festival Huế 2014; liên kết với khách sạn Duy Tân và nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh để nghiên cứu và phục hồi thực đơn ẩm thực cung đình phục vụ ngay trong Festival Huế 2014; liên kết với Công ty rượu Làng Chuồn để sản xuất loại rượu cung đình Hoàng Triều Ngự Tửu nay đang ngày càng được ưa chuộng trong phân khúc thị trường du lịch cao cấp; liên kết với công ty TNHH Lê Quý Dương tổ chức không gian diễn xướng Tứ Phương Vô Sự và Ngự thuyền Cung đình… Sắp tới, chúng tôi sẽ liên kết với một số doanh nghiệp lớn để tổ chức và khai thác không gian dịch vụ tại Phủ Nội Vụ, cung An Định, Nhà lưu niệm Hoàng thái hậu Từ Cung…

Đồng Văn (thực hiện)