Mô hình nuôi vịt nhốt chuồng tại trang trại rú cát Quảng Điền

Từ mô hình trang trại

Trang trại (TT) lợn, gà của ông Nguyễn Lực ở xã Quảng Thái (Quảng Điền) được che chắn, bao quanh bằng những vườn cây ăn quả, keo tràm. Những vườn cây, hoa màu không chỉ tạo nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho gia súc, gia cầm (GSGC) mà còn tỏa bóng mát, chắn gió bảo vệ vật nuôi. Hơn 50 con lợn và 2.000 con gà tại TT đang sinh trưởng tốt. Hai năm nay, TT này chưa để xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn lợn, gà, thu nhập bình quân mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng.

Chăn nuôi quy mô TT, gia trại an toàn, bền vững đang được các hộ dân, địa phương hướng đến. Trong khi nhiều hộ chăn nuôi lợn, gia cầm nhỏ lẻ, thiếu an toàn phải ngừng sản xuất thì các TT, gia trại an toàn trên vùng rú cát ở Quảng Điền vẫn duy trì và phát triển sản xuất.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lực thông tin, mới đây, tỉnh phê duyệt đề án phát triển đàn lợn hướng hữu cơ và an toàn sinh học theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025. Ngành nông nghiệp huyện đang hỗ trợ, vận động các hộ tiếp tục phát triển quy mô, số lượng lợn, gia cầm theo hướng hữu cơ. Các TT liên kết chăn nuôi lợn, gà tiếp tục hoạt động có hiệu quả, duy trì và phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi vịt đàn, nuôi bò nhốt chuồng...

Đến nay, toàn tỉnh có 385 TT chăn nuôi GSGC. Chất lượng con giống, chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc của hộ nuôi ngày cải thiện, tạo ra sản phẩm chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Có trên 40 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học với số lượng 250 con lợn nái và 5.000 con lợn thịt; có một TT chăn nuôi lợn hữu cơ tại Tổ hợp chăn nuôi 4F ở xã Phong Thu (Phong Điền) với quy mô 100 con lợn nái và 2.200 con lợn giống, lợn thịt.

Hướng đến chăn nuôi hữu cơ

Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Phước Thọ thông tin, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh từng bước chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp, TT. Các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh bước đầu hình thành, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tính riêng năm 2021, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 31 ngàn tấn, tăng 4,4%; trứng gia cầm đạt 54 triệu quả, tăng 6,9% so với năm trước.

Một số chuỗi liên kết trong chăn nuôi được hình thành và phát triển. Các cơ sở chăn nuôi lợn thịt, gà thịt gia công cho các công ty như Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi Mavin… theo hình thức các công ty đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị này giúp các chủ TT, gia trại ổn định đầu ra, có lợi nhuận.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, chăn nuôi GSGC trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Chăn nuôi tận dụng, nhỏ lẻ vẫn chiếm phần lớn đến 70% nên khó khăn trong việc hướng đến áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thời gian qua, do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, việc đi lại bị hạn chế nên công tác tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn GSGC chưa đạt tiến độ theo kế hoạch.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, lực lượng thú y cùng với các ban ngành, địa phương đang tổ chức chốt chặn, kiểm soát nghiêm túc các phương tiện vận chuyển GSGC, sản phẩm GSGC đi qua địa bàn tỉnh. Sau khi kiểm tra các thủ tục kiểm dịch, cán bộ thú y tổ chức phun thuốc TĐKT phương tiện trước khi cho qua chốt. Ngành thú y đã kiện toàn 162 tổ tiêu độc với hơn 320 máy bơm, bình bơm các loại để triển khai công tác vệ sinh, TĐKT môi trường.

Bài, ảnh: Triều Thọ