Bị cáo Lê Như Nguyện là công nhân của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong (trụ sở đóng tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, TP. Huế). Nguyện được công ty phân công và giao nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy tại lô 39 và lô 52 của khoảnh 1, tiểu khu 157, thuộc địa phận xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy.

Biết Nguyện là người có chức trách và nhiệm vụ trong việc quản lý, bảo vệ rừng, bị cáo Trần Dũng điện thoại xin cho cưa một số cây gỗ thông. Nguyện đồng ý; yêu cầu Dũng cứ chở 1 xe gỗ thông thì đưa cho Nguyện 2 triệu đồng, khai thác vị trí nào là do Nguyện chỉ mới được phép vào khai thác.

Dũng rủ Nguyễn Viết Di, Trần Tiến, Đào Văn Lợi; Tiến rủ thêm Nguyễn Đình Bảo, Dương Văn Vũ, Nguyễn Văn Ý; Ý rủ thêm Nguyễn Minh Trí và Nguyễn Văn Bảo cùng tham gia.

Ngày 8/4/2021, các bị cáo đến rừng thông của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong, ở lô 39 và lô 52, khoảnh 1, Tiểu khu 157, để khai thác gỗ thông; cưa hạ 55 cây thông nhựa, cắt thành từng khúc, bán được tổng số tiền 34,8 triệu đồng. Dũng đưa cho Nguyện 8 triệu đồng, trả tiền thuê xe chở 4 triệu đồng. Số tiền còn lại, Dũng và các đồng phạm chia nhau tiêu xài.

Tại bản kết luận định giá tài sản của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, UBND thị xã Hương Thủy, kết luận: Gỗ thông nhựa có tên khoa học là Pinusmerkusii Jet Viers, nhóm gỗ V, loại thông thường có khối lượng 25,084m3, có giá trị định giá là: 75.252.000 đồng.

Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong - bị hại trong vụ án đã nhận đủ số tiền bồi thường thiệt hại, do các bị cáo liên đới bồi thường; không có yêu cầu bồi thường gì thêm.

Quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa, các bị cáo khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình.

Hội đồng xét xử TAND thị xã Hương Thủy nhận định: Bị cáo Nguyện là nhân viên bảo vệ rừng của công ty, đã lợi dụng chức trách và quyền hạn của mình, tạo điều kiện cho nhóm của bị cáo Dũng vào rừng phòng hộ khai thác trái phép gỗ thông, để nhận hối lộ 8 triệu đồng. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ”. Hành vi của các bị cáo còn lại, đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Hội đồng xét xử xét thấy, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyện là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường, tính chuẩn mực trong công tác của cơ quan, tổ chức Nhà nước. Còn hành vi của các bị cáo Dũng, Tiến, Di, Ý, Đình Bảo, Văn Bảo, Trí, Lợi và Vũ đã trực tiếp xâm phạm đến quy định của Nhà nước về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý tài nguyên rừng, cần phải xử lý nghiêm nhằm giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, xem xét, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hội đồng xét xử xét thấy, các bị cáo không phạm vào tình tiết tăng nặng nào; có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… Riêng bị cáo Nguyện trong quá trình công tác, đã được đơn vị tặng nhiều giấy khen nên được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong công tác”. Nguyện cũng có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương. Bị hại cũng đề nghị xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Do đó, tòa xem xét để xử phạt bị cáo Nguyện một mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là cũng đủ tác dụng để giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. Các bị cáo cũng được xem xét giảm nhẹ mức hình phạt, theo quy định. Theo đó, Nguyện bị phạt 1 năm 6 tháng tù; Dũng 1 năm tù. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 9 tháng đến 10 tháng tù, cho hưởng án treo; hình phạt bổ sung đối với mỗi bị cáo là 10 triệu đồng.

Quỳnh Anh