Nhân viên Petrolimex đang bán xăng cho khách hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục biến động. Đáng chú ý, trong 12 lần điều hành đã có 9 lần tăng, chỉ giảm 3 lần.

Trong bối cảnh giá các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục chiều hướng tăng cao, các chuyên gia dự báo sẽ có nhiều tác động đến việc cung ứng mặt hàng này ở thị trường trong nước.

Để hiểu rõ hơn, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi về giải pháp đảm bảo nguồn cung cũng như dư địa để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.

Cân đối trong nước và nhập khẩu

- Những ngày gần đây, một số nước đã đưa ra những cảnh báo về khả năng khan hiếm nguồn cung, trong khi Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu khoảng 40% mặt hàng xăng dầu. Vậy xin ông cho biết về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới?

Ông Trần Duy Đông: Bộ Công Thương đã triển khai rất sớm các nhóm giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, bao gồm nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu.

Cụ thể, với nguồn trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) để chỉ đạo hai nhà máy lọc dầu vận hành công suất tối đa, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Bình Sơn mà ta có thể chi phối được. Còn Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, cơ quan chức năng cũng đề nghị phải khắc phục những sự cố để tạo nguồn trong nước ổn định.

Với nguồn nhập khẩu, trong bối cảnh nguồn trong nước bị cắt giảm và nguồn cung trên thế giới cũng bị gián đoạn thì công tác tạo nguồn từ nhập khẩu là rất quan trọng.

Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối có hướng đàm phán và thu xếp nguồn nhập khẩu để làm sao có được nguồn ổn định cũng như giá cả hợp lý phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Liên quan tới công tác điều phối cung-cầu trong nước, khi một số địa phương hoặc một số doanh nghiệp có sự đứt gãy nguồn cục bộ, Bộ Công Thương đã chủ động điều hành từ các đầu mối cũng như các thương nhân phân phối khác nhằm đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho các nơi thiếu hụt.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra hiện tượng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu cơ găm hàng và ngừng cung cấp hoặc gián đoạn cung cấp xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng.

Ngoài ra, trong công tác điều hành giá cũng phải đảm bảo cho công tác tạo nguồn để các doanh nghiệp có đủ mức lợi nhuận và có những thời điểm phải ưu tiên những mặt hàng trên thế giới, hoặc trong nước có hiện tượng khan hàng, thiếu hàng, thì ưu tiên những mặt hàng đó để đảm bảo tạo nguồn liên tục.

- Cơ quan quản lý Nhà nước dự báo như thế nào về diễn biến thị trường xăng dầu thế giới cũng như công tác đảm bảo nguồn trong thời gian tới?

Ông Trần Duy Đông: Với diễn biến địa chính trị vẫn tiếp tục phức tạp, các chuyên gia, các Tổ chức quốc tế nhận định giá xăng dầu năm nay vẫn có khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng cao, đặc biệt là khi nguồn cung trong nước vẫn chưa thể khẳng định được là ổn định, chuỗi cung ứng xăng dầu trên thế giới có gián đoạn, đặc biệt là nguồn từ Nga và xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine…

Với diễn biến phức tạp như vậy, Bộ Công Thương dự báo nguồn cung vẫn có những khó khăn, do vậy giải pháp quan trọng là bám sát tình hình đồng thời theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp về tiến độ nhập khẩu để đảm bảo nguồn theo chỉ đạo chung của Chính phủ.

Bộ Công Thương đã lên kịch bản của cả năm cũng như kịch bản của từng quý, hằng tháng, liên tục rà soát lại các nguồn từ trong nước và nguồn nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu cao nhất là đủ xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Linh hoạt thuế, phí, quỹ bình ổn

- Sau 9 lần tăng giá xăng dầu từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tiệm cận 30.000 đồng/lít. Trong bối cảnh giá thế giới tiếp tục tăng cao, đâu là dư địa cho công tác điều hành xăng dầu trong nước, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là luôn phải bám sát với diễn biến của giá thế giới, cũng như phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp-Nhà nước và người dân, người tiêu dùng.

Doanh nghiệp ở đây vừa là doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu. Lợi ích của Nhà nước ở đây tức là mục tiêu kiểm soát CPI, còn lợi ích của người dân là làm thế nào để có chi phí, các yếu tố đầu vào sử dụng hợp lý.

Từ yêu cầu trên, cộng với diễn biến của giá xăng dầu trên thế giới thời gian qua diễn biến rất phức tạp, có thời điểm tăng rất mạnh, vì vậy liên bộ Công Thương-Tài chính đã sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá (BOG) để góp phần vào mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và đang triển khai các gói phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, trong công tác điều hành cũng phải tính tới công tác tạo nguồn. Đơn cử, có những thời điểm xăng E5 hoặc xăng RON 95 trên thế giới khan hiếm, nguồn cung trong nước khan hiếm thì cơ quan chức năng cũng phải có cách điều hành linh hoạt, nhằm tạo nguồn tốt hơn.

Hoặc có những thời điểm dầu diesel lên cao quá, trong khi chúng ta cần phải hỗ trợ cho sản xuất, liên bộ cũng phải tính toán sử dụng Quỹ bình ổn giá để mặt hàng này có mức tăng vừa phải.

Một điểm nữa trong điều hành giá xăng dầu cũng phải tính tới, đó là đảm bảo tạo mức chênh lệch giá đủ hấp dẫn để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học. Đây cũng là một trong những giải pháp để đa dạng nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong lúc nhiên liệu hóa thạch đang khan hiếm đồng thời khuyến khích người dân và doanh nghiệp tiết kiệm, sử dụng nhiên liệu một cách hiệu quả…

- Vậy các công cụ thuế, phí sẽ được tính toán ra sao nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao và quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đầu mối vẫn đang âm, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Trong công tác điều hành mặt hàng xăng dầu, liên bộ cũng liên tục theo dõi sát diễn biến của giá thế giới để tiếp tục có những kiến nghị liên quan tới vấn đề về thuế, phí.

Đơn cử, mới đây, liên bộ cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay cả với thuế MFN (tức là mức thuế tối huệ quốc), với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%, nhưng mức giảm thế nào cũng phải tính để có thể hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước đồng thời giữ tỷ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường FTA với các thị trường có mức thuế MFN.

Nếu như diễn biến phức tạp quá thì phải có các giải pháp về an sinh xã hội hướng tới những đối tượng cần được thụ hưởng trợ cấp của Nhà nước để hưởng gói hỗ trợ và để giá xăng dầu phù hợp hơn…

- Một số quốc gia lân cận cũng đã công bố tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu cộng với tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới diễn biến hết sức phức tạp... Tất cả những điều này đặt ra những thách thức gì trong công tác quản lý, điều hành giá mặt hàng này, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo 389, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng 389 cũng như các lực lượng chức năng liên quan của các địa phương, đặc biệt là các địa phương có giáp vùng biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để loại bỏ tình trạng thẩm lậu và buôn lậu xăng dầu từ Việt Nam sang các nước có chung đường biên giới.

Ngoài ra, trong công tác điều hành giá liên bộ cũng phải cân nhắc, tính toán tới giá của các nước xung quanh-tức là hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước để đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI, đảm bảo công tác tạo nguồn nhưng cũng phải giữ được mức giá hợp lý với tương quan giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, tránh tình trạng có quá nhiều động lực cho các đối tượng buôn lậu cũng như thẩm lậu xăng dầu.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo TTXVN