Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp luôn được sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương

Những bước đi vững chắc

Theo công bố của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) mới đây, chỉ số PCI năm 2021 của Thừa Thiên Huế đứng thứ 8 trong cả nước (tăng 9 bậc). Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực và nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như sự chung tay của cộng đồng DN địa phương.

PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN. Chỉ số PCI phản ánh về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong điều hành và được chứng nhận là tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc thuộc top 10 của cả nước có điểm PCI 2021 hàng đầu Việt Nam.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ, để có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các sở, ban, ngành, địa phương. Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp trong việc thực hiện cải cách TTHC nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của người dân và DN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hoạt động có hiệu quả. Trong đó, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức các ngành chuyên môn đã có chuyển biến rõ nét, theo chiều hướng tích cực, mang lại kết quả đáng khích lệ. Đồng thời, nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng DN và cảm nhận của DN rõ ràng hơn, cao hơn.

Để cải thiện được thực chất năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đem đến sự hài lòng cho DN, vấn đề cốt lõi chính là tư duy, quyết tâm, tinh thần năng động, cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo chính quyền địa phương. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN phát triển thông qua nhiều hoạt động như tổ chức các hội nghị, hội thảo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho DN trong quá trình hoạt động và đầu tư trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Lê Văn Cường cho biết, sở tiếp tục là đơn vị giúp UBND tỉnh cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh (SXKD), duy trì và nâng cao các chỉ số về quy hoạch, tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư. Trước hết là giúp DN rút ngắn thời gian các TTHC nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, DN đến nghiên cứu đầu tư với hành lang pháp lý công bằng, đảm bảo cho DN các điều kiện tốt nhất đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Tại buổi công bố PCI năm 2021, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, để thành lập và hoạt động đầu tư, SXKD thì gánh nặng về chi phí thời gian và chi phí không chính thức rất lớn và là một trong những rào cản làm cho nhiều DN mất cơ hội, nản lòng, dẫn tới từ bỏ quyết định đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế đã có sự cải thiện rất đáng kể. Theo công bố của bảng xếp hạng, trong 10 chỉ số thành phần của PCI năm 2021, tỉnh có 2 chỉ số được cộng đồng DN đánh giá rất cao, đó là chỉ số Chi phí không chính thức (đạt 7,95 điểm - xếp thứ 4 cả nước) và Chi phí thời gian (đạt 8,29 điểm - xếp thứ 8 cả nước). Chỉ số Tính minh bạch và Đào tạo lao động của Thừa Thiên Huế cũng được duy trì và cải thiện ở nhóm khá, lần lượt xếp thứ 11 và 14 của cả nước.

Cần cải thiện thêm các chỉ số

Mặc dù tăng từ vị trí thứ 17 lên vị trí thứ 8 trên cả nước nhưng một số chỉ số vẫn đạt thấp, cần phải cải thiện trong thời gian tới là Chỉ số thiết chế pháp lý, an ninh trật tự và Chỉ số tiếp cận đất đai.

Mục tiêu của tỉnh sắp tới là tập trung nguồn lực để thu hút đầu tư, tiếp tục cải thiện chỉ số PCI, phấn đấu vào “TOP 5” của cả nước. Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những giải pháp tỉnh chú trọng là tạo niềm tin với nhà đầu tư. Theo đó, tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, hoạt động 24/24 giờ để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hỗ trợ nhà đầu tư...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá các điểm số trên từng bộ chỉ số để khắc phục và phấn đấu năm ở “TOP 5” một cách bền vững. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành đang quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm 2022, để nâng cao chỉ số PCI, UBND tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá thủ tục hành chính. “Theo đó, có 11 sở, ngành cấp tỉnh và 5 đơn vị cấp huyện được UBND tỉnh giao chủ trì rà soát 36 TTHC nhằm kịp thời phát hiện để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ quy định, TTHC không cần thiết, không phù hợp” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thái Bình