Các dữ liệu gần đây cho thấy giá phân bón thế giới đã tăng gần 30% kể từ đầu năm 2022, sau khi tăng 80% trong năm ngoái. Giá tăng cao được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm chi phí đầu vào tăng cao, gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt, cũng như các hạn chế xuất khẩu. Giá phân urê (urea) đã vượt đỉnh năm 2008, trong khi giá phân lân (phosphates) và kali (potash) đang nhích gần đến mức đỉnh của năm 2008. Mối lo ngại về khả năng chi trả cũng như sự sẵn có của nguồn cung phân bón cũng càng gia tăng do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Giá khí đốt tự nhiên tăng, nhất là ở châu Âu, dẫn đến việc cắt giảm sản lượng trên diện rộng đối với amoniac - một nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các loại phân bón gốc nitơ. Tương tự, giá than - nguyên liệu chính để sản xuất amoniac, tăng vọt ở Trung Quốc, buộc các nhà máy sản xuất phân bón nước này phải cắt giảm sản lượng, góp phần làm tăng giá urê. Giá amoniac và lưu huỳnh cao hơn cũng làm tăng giá phân lân.
Các lệnh trừng phạt đối với Nga và Belarus – những nước xuất khẩu lượng lớn phân bón cho thế giới, và gián đoạn các tuyến đường thương mại ở Biển Đen cũng khiến nguồn cung bị đe dọa, đẩy giá phân bón tăng cao. Thêm vào đó, Trung Quốc đã tạm ngừng xuất khẩu phân bón cho đến ít nhất là tháng 6/2022 để đảm bảo nguồn cung trong nước, trong khi nhu cầu tiêu thụ phân bón trên toàn cầu vẫn rất mạnh trong suốt đại dịch COVID-19.
Theo các nhà phân tích, giá phân urê dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao kỷ lục chừng nào giá khí đốt tự nhiên và giá than vẫn tăng. Tương tự, giá phân DAP được dự báo sẽ vẫn ở mức cao cho đến khi giá amoniac và lưu huỳnh giảm xuống. Ngoài chi phí đầu vào, rủi ro đối với triển vọng thị trường còn phụ thuộc vào việc xuất khẩu urê và DAP của Trung Quốc có tiếp tục trở lại sau tháng 6 hay không. Đối với kali, giá dự kiến sẽ vẫn ở mức cao lịch sử trong năm tới, trừ khi nguồn cung từ Nga và Belarus trở lại với thị trường quốc tế.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ Worldbank)